Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương
ly-ky-hanh-trinh-tim-mo-cong-chua-ly-kieu-oanh Ly kỳ hành trình tìm mộ công chúa Lý Kiều Oanh
Thursday, 04/07/2013 10:00 am

Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương

Ngôi mộ cổ được tìm thấy tại Đồng Hới (Quảng Bình) cách đây gần nửa năm đã được các nhà nghiên cứu khẳng định là của Công chúa Lý Kiều Oanh. 

Xung quanh vấn đề này còn có rất điều bí ẩn mới đây đã được nhà ngoại cảm Hoàng Thị Thiêm tiết lộ, bên cạnh đó còn có nhiều ý kiến của các nhà khoa học.

Giấc mơ kỳ lạ của nhà ngoại cảm Hoàng Thị Thiêm

Theo lời kể của bà Hoàng Thị Thiêm, vào khoảng cuối năm 2011 kéo dài đến đầu xuân năm 2012, bà Thiêm đã có nhiều giấc mơ kỳ lạ. Trong giấc mơ, bà Thiêm gặp một người tự xưng là Đức vua Lý Công Uẩn, nhờ bà cứu mộ cháu gái tên Lý Kiều Oanh Công chúa, bị nhà xây đè lên. Người trong mơ còn dặn nếu thấy mộ thì chỉ được phép tôn tạo chứ không được di chuyển vì các tướng lĩnh khi xây đã chọn huyệt mạch sơn thủy để đặt mộ ổn định. Rồi sau đó người báo mộng đã cho bà địa chỉ và tên đầu của chủ nhà bắt đầu bằng vần “N”.

Kỳ lạ hơn, ngay sáng hôm sau, em gái bà Thiêm tên là Hoàng Thị Thuy ở Lào Cai (cách bà Thiêm 300km) gọi điện thoại, nói rằng tối qua cũng nằm mơ thấy có một người về báo mộng ngôi mộ công chúa ở tỉnh Quảng Bình nào đó mà bà Thuy không thể nhớ được hết. Khi ấy, bà Thiêm mới giật mình và cho rằng cần phải làm theo di nguyện của người báo mộng.

Bà đem chuyện này nói với người bạn thân là luật sư Nguyễn Bích Lan ở Văn phòng luật sư số 5 Hà Nội. Sau đó, hai người đã dấn thân vào một hành trình tìm ngôi mộ cổ gần 1.000 năm đầy bí ẩn.

Nhà ngoại cảm Hoàng Thị Thiêm.
Hai người đã tự thu xếp kinh phí rồi nhiều lần tìm theo địa chỉ trong giấc mơ tìm gặp nhà anh Nam ở khu dân cư số 6, phường Hải Thanh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Khi gặp anh Nam, họ phải nói dối tìm mộ tổ tiên để giữ bí mật. Đúng như những gì trong mơ nói, anh Nam kể lại mấy chục năm trước, gia đình anh đào hầm trú ẩn đã gặp những hàng gạch xây, nhưng sợ quá nên đã lấp lại.

Sau khi nắm được tình hình, bà Thiêm đã báo cáo với lãnh đạo Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người tiếp tục vào cuộc. Tháng 5/2012, viện nghiên cứu đã cử một cán bộ vào làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình và các đơn vị quản lý tại địa phương. Sau buổi làm việc, rất nhiều nhà khoa học đã vào cuộc. Ngày 22/12/2012, đoàn công tác đã đào và phát hiện ngôi mộ cổ được xây bằng gạch, tường rào hình chữ nhật, cao 0,8m, rộng 3,9m, dài 3,5m và còn có tấm bia đá có khắc 5 chữ Hán cổ, được dịch là “Lý Kiều Oanh Công chúa”.

Các nhà khoa học nói gì?

Nói về việc phát hiện ngôi mộ cổ của Công chúa Lý Kiều Oanh, GS-TSKH-VS Phạm Minh Hạc – nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người – cho biết: “Tuy đây là một vấn đề phức tạp trong khoa học, nhưng lại rất gần gũi với dân ta, nhất là qua phong tục thờ cúng tổ tiên, các vị thành hoàng, những người có công lớn với dân với nước”.

Ông Phạm Minh Hạc phát biểu trong hội thảo.
Từ góc nhìn khảo cổ học, PGS-TS Nguyễn Lân Cường – Phó Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam – đánh giá về mộ cổ Hải Thành (Đồng Hới) rằng bản thân ông thực sự rất háo hức khi được nhà ngoại cảm Hoàng Thị Thiêm và luật sư Nguyễn Bích Lan mời vào Đồng Hới đúng ngày 6/6/2012, để quan sát bước đầu, khi ngôi mộ mới chỉ hé lộ vài viên gạch. Ngay từ ngày đầu, ông và TS Nguyễn Giang Hải (nguyên là Phó viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam) đã thống nhất nhận định đây rõ ràng là cấu trúc hoặc của một ngôi mộ cổ, hoặc của một kiến trúc cổ nào đó?

PGS Nguyễn Lân Cường cũng bày tỏ mong muốn, trong những ngày tới UBND tỉnh Quảng Bình nên xem xét và cấp phép cho Hội Khảo cổ học Việt Nam để được tiến hành đào thám sát với diện tích rộng hơn.

TS Đinh Công Vỹ – nguyên cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm – cũng chia sẻ, với nhiều hiện tượng lạ thật đáng để các nhà khoa học trên cơ sở liên ngành, dựa chủ yếu vào các tư liệu lịch sử, khảo cổ, các văn bản Hán Nôm cụ thể, mắt thấy tai nghe mà nghiên cứu. Nhưng không thể không tham khảo thêm các tư liệu dân gian, ngoại cảm, tâm linh.

Việc làm của nhà ngoại cảm Hoàng Thị Thiêm qua việc phát hiện ngôi mộ của công chúa đời Lý là một sự tiếp nối rất đáng trân trọng. Rất mong các nhà ngoại cảm như Hoàng Thị Thiêm, các nhà khoa học liên ngành cần phối hợp nghiên cứu tiếp theo để tìm thêm những điều bí ẩn trong lịch sử.

Công chúa Lý Kiều Oanh là ai?

Trong sách Đại Việt sử ký toàn thư còn ghi lại, Công chúa Lý Kiều Oanh là con gái của Vua Lý Thái Tông và Hoàng hậu Thiên Cảm. Ngay sau khi Thái Tông lên ngôi kế vị vua cha Thái Tổ, ông đã lập 7 hoàng hậu, đặt phẩm cấp cho các cung nữ, hoàng hậu, phi tần 13 người, ngự nữ (gái hầu của vua) 18 người, nhạc kỹ 100 người. Ngoài ra, nhà vua còn nặng lòng yêu thầm nhớ vụng một ngự nữ (nàng hầu), nhà vua vẫn kín đáo hẹn hò và ngự nữ đã sinh được một bé gái đặt tên là Lý Kiều Oanh. Bởi vậy nhà vua đã phong cho nàng hầu ấy làm hoàng hậu, hiệu là Thiên Cảm. Sau khi sinh ra Kiều Oanh, Thái Tông giao cho người con trưởng là Thái tử Nhật Tôn nuôi dạy. Thái tử Nhật Tôn là con trai trưởng của Thái Tông và Mai thị Kim Thiên Hoàng hậu.

Sau khi Thái Tông qua đời, Nhật Tôn lên ngôi kế vị, miếu hiệu là Thánh Tông, phong cho mẹ lên làm Kim Thiên Hoàng thái hậu. Nghe nói Thiên Cảm Hoàng hậu khi còn là ngự nữ hầu hạ Thái Tông, bà cũng hầu hạ cả Kim Thiên Hoàng hậu họ Mai. Kim Thiên Hoàng hậu là chủ hậu cung của Thái Tông. Thiên Cảm Hoàng hậu được Kim Thiên Hoàng hậu rất yêu mến và luôn che chở bảo vệ bà. Kiều Oanh đến tuổi trưởng thành được vua cha ban sách phong cho làm công chúa, hiệu là Tân Bình (Tân Bình Công chúa), gả cho Quận công Hồ Đức Cưởng. Công chúa Tân Bình được sách lập phủ đệ riêng ở tại trại Bố Chánh (sau này là phủ Tân Bình) ở cùng với chồng nơi Hồ Đức Cưởng trấn thủ.

Thời ấy, ở biên cương phía nam nước ta luôn có giặc Chiêm Thành câu kết với giặc Tống tới gây chiến, thế giặc khá mạnh. Thái Tông e vợ chồng phò mã – công chúa khó khăn trong chức trách bảo vệ biên cương, nên nhà vua phong cho Thái tử Nhật Tôn làm tổng nguyên soái mang quân đi hỗ trợ vợ chồng phò mã đánh tan được giặc, bảo toàn lãnh thổ. Nhưng chẳng bao lâu, lũ giặc Chiêm -Tống lại luôn tới gây chiến, cướp phá của cải của dân chúng. Thái tử cùng vợ chồng Lý Kiều Oanh đã cùng nhau làm nên những chiến công hiển hách tại sông Giang (sau đổi là sông Nhật Lệ), Bàu Tró..

Lúc đó do lực lượng không cân sức, Phò mã Hồ Đức Cưởng đã bị giặc sát hại, Công chúa Lý Kiều Oanh mới sinh một con gái, việc gánh vác quân cơ nặng nề khiến Lý Kiều Oanh kiệt sức. Biết mình không qua khỏi nên công chúa có gửi con cho anh trai mình là Thái tử Lý Nhật Tôn nhờ đem về kinh chăm nuôi hộ và Lý Kiều Oanh đã thác ngay tại phủ Tân Bình – nơi chiến sự giữa quân Đại Việt và liên quân Chiêm – Tống đang xảy ra ác liệt.

Con gái của Lý Kiều Oanh được đặt tên là Ngọc Kiều. Về tới Thăng Long, Ngọc Kiều được người em trai khác mẹ với Thái tử Nhật Tôn là Thái tử Phụng Càn vương Lý Nhật Trung chăm sóc ở trong nội cung từ nhỏ. Lớn lên, Ngọc Kiều được mang họ cha nuôi là Lý Ngọc Kiều, được phong công chúa, gả chồng cho người họ Lê làm Châu mục châu Chân Đăng.

Như vậy có thể nói, Công chúa Lý Kiều Oanh cùng chồng là tướng quân Hồ Đức Cưởng là những người có công lớn trong việc bảo vệ biên cương phía nam của tổ quốc, họ đã dùng tính mạng để bảo vệ biên giới, lãnh thổ, vì thế việc tri ân với 2 vị là trách nhiệm mà bậc hậu thế nên làm.

TAMTHUC