Những sự việc ngẫu nhiên trùng lặp khiến người dân Phú Đa không khỏi ngỡ ngàng. Thế nhưng, cụ Kiều Thị Huê (dân làng thường gọi theo tên con gái đầu là Hoa), 83 tuổi, chủ của phần đất có ngôi mộ ấy vẫn quyết không kể chuyện xưa cho con cháu. Lý do là cụ sợ các con nếu biết sẽ sợ hãi mà không dám về chơi (cụ có 5 người con thì 3 người lập nghiệp và sống ở Hà Nội – PV). Mãi đến khi con cháu nghe tin về ngôi mộ cổ rồi gặng hỏi nhiều lần cụ mới tiết lộ.
Trước đó, ngôi mộ cổ trông bên trên chỉ là những phiến đá ong bình thường.
Tìm về xóm Núi Lãn, chúng tôi đã gặp được cụ Hoa. Tuy đã cao tuổi nhưng cụ vẫn rất khỏe mạnh, cụ niềm nở và nhiệt tình với khách. Cụ chậm rãi kể: “Khu mộ này nằm trên một quả đồi khá rộng. Theo lời các cụ nhà tôi, Ngôi mộ bí ẩn thì đây là mộ của tổ sư. Xung quanh mộ khi đó được xây đá ong, bề ngang dài xấp xỉ 70cm, chiều dài 80cm”.
Cụ Hoa kể, một năm, do quá đói kém, cụ ông Tạ Văn Kheo khăng khăng rằng dưới ngôi mộ có vàng nên cùng đứa cháu đào lên. Ông cụ đào được một cái bình màu trắng nhưng đào đến đâu thì bình vỡ vụn đến đó, vàng chẳng thấy đâu. Hoảng sợ, cụ Kheo vội lấp bỏ. Gia đình cụ Hoa và người dân xung quanh thấy vậy thì mua hoa quả lên thắp hương và lấp mộ, sau khiêng đá kè lại như cũ.
Khoảng năm 2008, người ta cho máy xúc đất đồi làm lở một phần mộ dài khoảng 80cm. Dù không mê tín nhưng gia đình cụ Hoa cũng phải hoang mang bởi những việc liên tiếp xảy ra. Ngồi nhẩm tính trong miệng, cụ Hoa lặng người đi rồi thủ thỉ: “Nhà bà cụ Điền, nhà ông cả Trường cùng chuyển đi đâu hết không rõ. Ông Hợp, em rể tôi mua đất ở được một thời gian, không ở được phải bán đi. Gần đó có nhà có hai cô con gái thì đều bị lẩn thẩn, không có chồng. Có nhà thì đêm đến bà vợ tự dưng khóc thảm thiết. Nhà khác khi sinh con thì không bị câm cũng bị tật. Có dạo, một ông cụ tên Quang đi lên khu đồi có ngôi mộ rồi không thấy đường về, cứ đi loanh quanh. Thấy lạ, tôi mới quát: “Làm gì mà ông cứ đi ngược, đi xuôi mãi thế?”. Lúc này cụ Quang mới giật mình đáp: “Tôi đi sang nhà con gái mà sao mãi không thấy đường” (nhà con gái cụ Quang ở phía dưới nhà cụ Hoa – PV)”.
Cụ Nguyễn Vân Tằng, người giữ gia phả họ Nguyễn.
Cụ Hoa còn kể lại câu chuyện đứa cháu nhỏ cứ ban đêm lại khóc ré lên, đưa đi khám nhưng bác sĩ không tìm ra căn nguyên. Buổi đêm, mắt cháu bé cứ trừng trừng nhìn vào khoảng không rồi khóc thét, chẳng hiểu vì sao. Trong lúc đang kè lại ngôi mộ, lại có anh thợ xây đêm nằm ngủ ở đó thấy một con rắn to ngóc cổ chui vào lách. 3h sáng tỉnh dậy anh thợ cứ soi hết từ trong ra ngoài mà không thấy rắn…
Theo cụ Hoa, trước nay gia đình chỉ biết đây là ngôi mộ cổ, còn gốc tích ra sao không ai tường tận. Mới đây, cụ Nguyễn Vân Tằng (hơn 80 tuổi, phường Phú Lương, quận Hà Đông, Hà Nội) cùng nhiều đoàn khảo cổ đến xem và kết luận, đây là ngôi mộ cổ có niên đại 4.700 năm. “May là mộ chỉ bị sạt lở phần chân, phần lưng được dựa vào quả núi nên chưa xảy ra chuyện gì nghiêm trọng. Tôi định chia quả đồi cho ba đứa con trai nhưng bây giờ không được hạ”, cụ Hoa chia sẻ.
Ngôi mộ cổ của ai và có từ bao giờ?
Sau khi về xem xét thực hư câu chuyện về ngôi mộ, nhà ngoại cảm, nhà phong thủy Nguyễn Cung Hà (Phó chủ nhiệm bộ môn Cận Tâm lý, Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người, Phó Giám đốc trung tâm Unesco Nghiên cứu và ứng dụng văn hóa Á Đông – một trong những nhà ngoại cảm ở Việt Nam hiện nay kết hợp rất hiệu quả giữa phong thủy và tâm linh) nhận định đây không phải là mộ bình thường. Sau đó, nhà ngoại cảm Cung Hà đã vẽ quy hoạch khu đồi để xây kè lại, nhắc nhở các hộ dân không được đào bới hoặc xây nhà để ở, chỉ trồng rau, cây hoa, quả, làm sinh thái.
Theo ông Hà, có ba điểm trấn giữ khu vực này, một điểm ở chùa Tây Phương, một điểm chùa Cực Lạc và ngôi mộ trên Núi Lãn trong phần đất của gia đình cụ Hoa là điểm thứ ba. Theo ông Hà, đây là mộ của vị thánh tổ vùng đất này, là điểm trấn giữ linh thiêng phía Tây, con cháu đời sau cần gìn giữ, thờ phụng. Phía trên mộ là những phiến đá ong bình thường nên nếu thoạt nhìn, không ai nghĩ đó là mộ cổ. Theo cụ Hoa thì phải xây 9 tầng giáo mới lấp được phần mộ bị lở và cao bằng phần mộ cũ.
Điều đáng nói là trước khi nhà ngoại cảm Nguyễn Cung Hà đến, có nhiều nhà ngoại cảm, nhà tâm linh khác về thắp hương trước mộ. Có ông sư không biết từ đâu đến dâng hương và nói: “Mộ này thiêng lắm!” rồi bỏ đi thẳng…
Nhà ngoại cảm, phong thủyNguyễn Cung Hà.
Để tìm hiểu rõ hơn thực hư về ngôi mộ có niên đại lâu đời thuộc hàng bậc nhất ở Việt Nam này, chúng tôi đã tìm về phường Phú Lương (Hà Đông) gặp cụ Nguyễn Vân Tằng. Trao đổi với PV, cụ Tằng, người lưu giữ gia phả họ Nguyễn và có trách nhiệm phải trông coi, giữ gìn hơn 100 ngôi mộ cổ của nước Việt ở khắp các vùng miền cho biết: “Mấy chục năm nay, năm nào tôi cũng đến khu vực gần chùa Tây Phương, Cực Lạc tìm ngôi mộ nhưng không thấy. Ngày xưa, khi còn sống, ông nội tôi đã đưa tôi đến đây. Khi đó, các cụ hương lý cùng gia đình tôi ra làm lễ tảo mộ xong ra chùa Tây Phương ăn cơm, xung quanh núi đó còn nhiều mộ nhưng mộ trên đồi Gò Cao thuộc phần đất gia đình cụ Hoa là mộ cổ nhất. Ngôi mộ này đã có khoảng 5.000 năm trước. Một lần, tình cờ vào hàng nước cạnh chùa Cực Lạc, tôi hỏi thăm về ngôi mộ thì chị bán nước tên Mai bảo: “Ngôi mộ nằm trên đất nhà cháu!”.
Cũng theo lời cụ Tằng, trước đây có một chị tên là Hiền ở bên bộ Văn hóa đang làm luận án tiến sĩ cũng đã về đây tìm nhưng tìm một năm mà vẫn chưa thấy mộ. “Sau khi tìm được mộ cổ, tôi bảo chị Mai, người nào giữ gìn ngôi mộ này thì con cháu làm ăn thịnh vượng, ai phá chỉ có đường chết”, cụ Tằng quả quyết. Khi được hỏi có ghi chép nào chứng minh đây là mộ cổ, cụ bảo: “Ông nội tôi có ghi lại khi cho tôi lên thăm hàng năm, nhưng hôm nay là ngày kiêng kị nên không được xem”.
Cùng trao đổi với chúng tôi, ông Kiều Văn Lương, chủ tịch UBND xã Cần Kiệm nêu quan điểm: “Cách đây khoảng hai năm, gia đình cụ Hoa quy hoạch ngôi mộ, phía xã chỉ qua kiểm tra về địa chính, kè đất còn về đó có phải mộ cổ không thì chúng tôi không nắm được. Việc tìm niên đại ngôi mộ là của những người có chuyên ngành. Theo đó, việc bảo tồn được mộ, giữ được đất là nguyện vọng của gia đình, cũng nằm trong chủ trương chung”.
Thực hư về một luồng “khí” lạ
Nhà ngoại cảm Nguyễn Cung Hà kể lại: “Hôm đó, khi thắp hương xong, đang khấn thì tôi nhìn thấy một vệt sáng nối từ ngôi mộ tới chùa Tây Phương sang núi Cực Lạc tạo thành hình tam giác, đó là dấu hiệu của Tam hội cục khí. Đây là một khí rất linh thiêng mà các bậc tiền bối thời xưa thường trấn giữ để bảo vệ ở những vùng đất quan trọng”. Theo con cháu cụ Hoa thì nhờ có nhà ngoại cảm Nguyễn Cung Hà, bí mật về ngôi mộ cổ đã phần nào sáng tỏ.
Yến Dương
Theo: nguoiduatin