Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương
doi-buon-tham-cua-ong-thay-bua-vo Đời buồn thảm của ông thầy bùa 20 vợ
Saturday, 03/01/2015 09:00 am
Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương

Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương

Ông thầy bùa Hoàng Văn Nhẻo, ở bản Dùng, xã Thạch Kiệt, Thanh Sơn (Phú Thọ) nổi tiếng không phải vì là một thầy bùa cực giỏi, mà ông nổi tiếng vì có tới 20 người vợ.

Nhưng cuối đời, lời ông nói với tôi đã linh nghiệm, ông sống một mình và cũng chết một mình trong căn nhà rộng thênh thang.

Cách đây hơn hai năm, tôi theo chân nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn đi tìm hiểu về văn hóa tâm linh của người Mường. Tôi và ông Nhàn đã ở mấy ngày trong nhà thầy bùa Hoàng Văn Nhẻo để nghe ông kể về chuyện bùa ngải, nèm chài. Ông là một pho sử sống về những phép thuật cổ xưa của người Mường ở vùng đất cổ Thanh Sơn. Nhà thầy mo Nhẻo khang trang nhất ở xóm Dùng, nằm trên lưng quả đồi, nhìn ra sông Bứa. Cạnh nhà thầy có một con suối rất đẹp, ôm vòng từ phía tay Hổ qua tay Long.


Thầy Nheo lúc sinh thời đang niệm chú làm bùa

Chúng tôi chờ đến nhập nhoạng tối thì thầy Hoàng Văn Nhẻo lếch thếch về nhà. Thấy nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn, thầy vui lắm. Thầy bảo có ông hàng xóm nhờ thầy đến giải bùa, bởi vợ ông ta vừa chết, mà ông ta thì dùng bùa “tơm thăm” để lấy vợ. Thầy Nhẻo kể, khi người vợ chết, người chồng phải dí mũi vào xác chết của vợ để hít liên tục và thật mạnh, rồi nhờ người khác mời thầy mo đến giải bùa, nếu không, sẽ ngơ ngẩn bất thần rồi chết theo lúc nào chẳng hay.

Ông Nhàn hỏi chuyện thầy mo Nhẻo (75 tuổi): “Thế 10 bà vợ của ông đâu, mà sao tôi không thấy bà nào?”. Ông Nhẻo cười bảo: “10 bà vợ của tôi là chuyện mười năm trước rồi ông bạn già ạ. Tính đến nay, tôi có tổng cộng 20 bà vợ. Nhưng giờ thì không còn bà nào nữa rồi”. Tôi nghe chuyện thấy lạ liền đi tìm hiểu quanh xóm.

Quả thật ông Nhẻo không “khoe khoang” chút nào. Người dân xóm Dùng đều khẳng định ông Nhẻo lấy những 20 vợ thật, kể cả ở gần lẫn ở xa. Xung quanh cái xóm Dùng khuất nẻo này, đa phần là nhà các bà vợ và con cháu của thầy bùa Hoàng Văn Nhẻo. Mặc dù nhiều vợ là vậy, nhưng từ mấy năm nay, thầy phải sống lẻ bóng một mình. Bà thì bỏ đi biệt xứ, bà về quê mang theo con cái, bà đã chết, những bà ở lại xóm Dùng thì cũng coi như không có ông chồng tên là Hoàng Văn Nhẻo trên đời nữa.

Thầy Nhẻo bảo: “Cả đời tôi đã làm việc thất đức, nèm chài hại người rất nhiều. Ngày xưa, tôi cứ thấy gái đẹp là thả bùa cho theo mình. Tôi cướp cả vợ đẹp của người khác, làm tan nát gia đình họ. Thầy bùa có giỏi đến đâu, nếu làm việc xấu, việc ác thì không thể tránh được họa khi về già. Giờ tôi đang phải gánh hậu quả đây. Tôi có tới 20 bà vợ, mấy chục đứa con, mà tôi phải ở một mình, chắc cũng chết một mình trong căn nhà to này. Để giảm tai họa cho con cháu, giờ tôi chỉ làm việc phúc thôi…”. Thầy còn khẳng định với tôi và nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn rằng, đời này, thầy “trả nghiệp” không hết được, nên chắc chắn sẽ gặp bi kịch…

Đợt vừa qua, tôi lang thang nhiều ngày ở Thanh Sơn và Tân Sơn để tìm hiểu về bùa ngải, nèm chài. Tôi đã vào thăm thầy mo Hoàng Văn Nhẻo nhưng ngôi nhà sàn rộng thênh thang lạnh lẽo, then cài cửa khép, mạng nhện phủ kín. Dò hỏi quanh xóm thì được biết thầy mo Hoàng Văn Nhẻo đã chết một năm rồi. Tức là, sau lời tiên tri của thầy mo Nhẻo với tôi đúng một năm thì thầy ra đi trong lặng lẽ. Người dân quanh xóm kể, một ngày, thầy cứ tiều tụy, ít nói, không giao du, đóng cửa không tiếp khách rồi chết một mình không rõ nguyên nhân trên chiếc giường mà thầy đã từng đầu ấp tay gối với ít nhất là 20 bà vợ…

Nhiều bí ẩn cần lời giải

Nhớ lại lần đầu tiên tôi đến thăm nhà thầy Nhẻo, vừa tới ngõ đã  thấy hàng chục khách ngồi chờ, xe máy để tràn ngoài ngõ, có cả khách ở rất xa đến, tận Hà Nội, Hà Tây, Hải Phòng… Tất cả trong số họ đều là những người gặp nhiều khó khăn, trục trặc trong đường tình duyên quyết lên tận vùng rừng xanh núi đỏ này để nhờ thầy.


Cây này được các thầy bùa dùng làm một số loại ngải.

Chiều tối hôm đó, chúng tôi ngồi lặng lẽ xem thầy mo Hoàng Văn Nhẻo làm bùa phép cứu đời. Mấy chục con người trải chiếu ra ngồi kín nền nhà, thành từng cụm một để chờ đến lượt. Thầy mo Nhẻo dùng rất nhiều loại lá rừng để làm nèm, trong đó, nhiều nhất là lá cây cỏ rác, mọc nhiều ở vùng ven rừng thưa ở Thanh Sơn. Đây là một loại cỏ, trông giống như rau răm, được thầy trồng tràn lan quanh nhà.

Theo lời thầy, khi làm nèm với cây cỏ này, người được nèm sẽ ăn nói dễ nghe, tính tình dễ chịu, sẽ dễ được người khác cảm mến. Loại cây này cũng có tác động vào tâm tính, tư tưởng, khiến con nợ ân hận mà trả nợ cho người mình đã vay. Có một loại cây mà hầu hết các thầy bùa đều sử dụng, đó là ngải vàng. Thầy Nhẻo lấy củ ngải vàng, rửa sạch, thái từng lát mỏng đựng đầy bát tô. Với đàn ông, thầy dùng 7 lát, còn đàn bà, dùng 9 lát. Thầy đọc thần chú vào những lát ngải, thả vào chai nước cho thân chủ mang về uống. Bài bùa này, theo thầy, có tác dụng làm cho trai gái, vợ chồng thương yêu nhau hơn, hoặc cầu được tài lộc đến với mình.

Cuộc đời thầy mo Hoàng Văn Nhẻo có rất nhiều kỳ bí. Ngoài việc làm nèm, chài, thầy còn là một thầy mo… siêu hạng, rất rành trong việc cúng ma chữa bệnh. Theo lời thầy, trong vùng hễ ai có bệnh, thầy liền đến xem, tìm hiểu xem là loại ma gì gây bệnh. Không những học được các bài nèm, bùa của bà cô, thầy mo Nhẻo còn lang thang khắp vùng Tây Bắc, gặp rất nhiều thầy mo giỏi để học nèm chài, bùa, ngải. Thầy học cả các bài chài độc của người Mán (người Dao).

Thầy đã từng vận dụng các bài chài để hại người. Thầy có thể làm cho một người đau đớn như có sắt, đinh chọc vào bụng, tim gan, phèo phổi. Thầy có thể chôn hai mảnh đóm tre đã đọc chú vào cổng nhà kẻ thù để kẻ thù phải khuynh gia bại sản. Tóm lại, cả việc tốt lẫn việc xấu thầy mo Nhẻo đều đã làm nhiều, cốt là để kiếm tiền tiêu xài, trang trải cho 20 bà vợ của thầy.

Có thể nói, nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn là người hiểu biết rất sâu sắc về văn hóa Mường ở Thanh Sơn. Gần như cả cuộc đời ông đã “tắm gội” trong văn hóa xứ Mường và ghi lại cặn kẽ, trung thực, không một lời nhận xét, không một câu bình luận, chỉ mong thế hệ sau còn được biết đến một xứ xở từng có những câu chuyện rất kỳ lạ. Tôi hỏi ông rằng, chuyện nèm, chài, bùa, ngải có linh nghiệm hay không, ông không trả lời (thực ra tôi nghĩ ông cũng không dám khẳng định).


Củ Ngài này được dùng để làm bùa.

Sử sách Trung Hoa xưa cho biết rằng, người Việt, tức người Bách Việt, và cả người Lạc Việt rất chuộng phương thuật. Sách “Việt sử lược” là sách sử xưa nhất của ta chép rằng: “Ở thời Trang Vương nhà Chu, tại quận Gia Ninh, tức huyện Mê Linh, có người lạ đến, lấy ảo thuật để phục các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương”.

Theo “nhà văn hóa xứ Mường” Nguyễn Hữu Nhàn, có lẽ vua Hùng chính là người Lạc Việt có nhiều phép thuật, quyền năng nên đã thu phục được các bộ lạc, làm thủ lĩnh mà xưng là Hùng Vương… Chuyện vua Hùng là người có nhiều phép thuật thì sách sử nào cũng chép, nhưng ít ai biết rằng, xứ Mường Thanh Sơn, Tân Sơn chính là vùng đất bản bộ của vua Hùng và trong dân gian còn lưu giữ vô vàn những câu chuyện, truyền thuyết về vua Hùng và đức thánh Tản Viên.

Những câu chuyện huyễn hoặc về bùa ngải, nèm chài xứ Mường, một phần bản sắc của văn hóa Mường, kinh nghiệm của ông cha để lại, từng lưu truyền trong dân gian mấy ngàn năm, rồi cũng sẽ biến mất, khi ánh sáng văn minh soi rọi đến những góc ngách của đại ngàn. Kết thúc bài viết, tôi xin trích câu nói của nhà nghiên cứu Bùi Quốc Hùng (Trung tâm lý học Phương Đông): “Cái gì tồn tại lâu dài, dai dẳng mấy nghìn năm, tự bản thân nó đã là một sự hợp lý rồi”. Nhưng hợp lý đến đâu thì rất cần sự vào cuộc của các nhà nghiên cứu. Văn hoá tâm linh xứ Mường nói nói chung và chuyện bùa ngải là nét văn hoá lâu đời rất đặc sắc, đáng được để nghiên cứu một cách nghiêm túc, có hệ thống.

Nguồn: http://news.zing.vn/doi-buon-tham-cua-thay-bua-co-toi-20-vo-post127354.html

TAMTHUC