(maphuong)-Sau một năm kể từ khi gần như toàn bộ thành phố Ishinomaki bị cuốn phăng ra biển bởi sóng thần, những câu chuyện về các hồn ma giờ đây ám ảnh những người còn sống trong khi họ phải vật lộn để xây dựng lại từ đầu.
Một dự án tái thiết dường như đang giậm chân tại chỗ bởi nỗi sợ hãi những hồn ma của những người thiệt mạng trong sóng thần.
“Tôi nghe người ta nói những người tham gia sửa khu siêu thị đó đã phát ốm vì ma”, ông Satoshi Abe, 64 tuổi, nói về một dự án sửa khu thương mại trong thành phố.
“Người ta đã chết ở khắp nơi, chỗ nào cũng có. Thành phố này giờ đầy những câu chuyện như thế đấy”.
Ishinomaki là thành phố thuộc tỉnh Myagi miền đông bắc Nhật, nơi hứng chịu sóng thần tháng 3/2011. Một số chỗ ở nơi từng là thành phố cảng sầm uất này, dấu hiệu của sự sống đã trở lại, nhà cửa đang mọc lên, các cửa hiệu tái hoạt động và lũ trẻ lại đến trường. Có đến một phần năm trong tống số 19.000 người chết trong sóng thần là cư dân của thành phố nhỏ Ishinomaki này, vì thế ít ai dám chắc rằng nó sẽ trở lại như xưa. Anh Shinichi Sasaki, một cư dân ở đây, nói rằng những ký ức về ngày 11/3 khủng khiếp năm ngoái vẫn luôn ám ảnh, không bao giờ phai, và chúng tạo nên những “hồn ma”. “Cái ngày định mệnh ấy ghi dấu trong tâm trí người ta mãi không thôi”, anh nói. “Nếu anh biết một người nào đó bị giết, và cái chết đến quá bất ngờ, anh sẽ cảm thấy dường như người đó vẫn còn đâu đây. Tôi không tin vào ma, nhưng tôi có thể hiểu vì sao thành phố này đầy những câu chuyện về các vong hồn”.Một tài xế taxi không nêu tên kể rằng có một số điểm ở thành phố mà anh không muốn dừng xe, bởi nơi đó đã có rất nhiều người bị cuốn đi. Anh sợ rằng nếu dừng xe, anh sẽ gặp phải một hồn ma. Một phụ nữ khác cũng là cư dân thành phố cho biết bà nghe nhiều câu chuyện về những bóng người xếp hàng chạy lên các ngon đồi, họ cứ cố mãi cố mãi, mong thoát khỏi những con sóng, và cứ lặp đi lặp lại nỗ lực tuyệt vọng trong những phút cuối đời ấy. Các nhà tư vấn và chuyên gia tâm lý cho hay tình trạng tin vào hồn ma là điều phổ biến ở những nơi phải trải qua các thảm họa lớn, và đó cũng là một phần trong cả tiến trình hàn gắn nỗi đau của một xã hội.
Nhà văn hóa và nhân chủng học Takeo Funabiki nói rằng việc những câu chuyện về ma lan ra khắp nơi là hiện tượng bình thường sau một biến động lớn như thế. “Con người rất khó chấp nhận cái chết, cho dù đó là người duy tâm hay duy vật đi chăng nữa. Một cái chết đột ngột và bất thường luôn là điều khiến con người khó hiểu và chấp nhận”. Khi có điều gì đó mà con người khó chấp nhận, họ có xu hướng tìm cách giải thích bằng các chuyện hoang đường hoặc làm những nghi lễ gì đó cho người đã khuất. “Điều đáng quan tâm là những chuyện đó tạo một nhịp cầu để người ta chia sẻ với nhau trong xã hội”, ông phân tích. Với những người có thân nhân bị mất, thì những nghi lễ cổ truyền có thể giúp họ khuây khỏa phần nào. Các thầy tu của Thần đạo thường được mời đến để cầu siêu an ủi linh hồn người chết và giúp họ dễ được sang thế giới bên kia, một khi nơi họ qua đời được tẩy rửa.
Tuy nhiên vẫn có rất nhiều người phải vật lộn để có thể chấp nhận mất mát. Koji Ikeda, một giảng viên và là nhà tâm lý trị liệu của Viện tư vấn Nhật Bản, cho hay “những người sống sót có rất nhiều dạng xúc cảm – sợ hãi, lo lắng, đau khổ và vật vã đòi người chết trở về”. Có lẽ cả một khối cảm xúc đa dạng và mãnh liệt như thế đã khiến những người không thể chấp nhận thực tế phải tìm đến các câu chuyện về hồn ma. “Xúc cảm mãnh liệt đó cần được giải tỏa để người ta có thể chấp nhận và thích nghi với thực tại mới, để tiếp tục sống với nỗi đau thương”.Dù nhiều người trong thành phố này không khẳng định chính mắt họ đã thấy ma, nhưng đa phần đều đồng ý rằng có lẽ các hồn ma đang vương vất trên những con phố vắng tanh. Yuko Sugimoto, một cư dân, cho biết chị không thực sự duy tâm và cũng chưa từng thấy ma. Nhưng chi tin tưởng tuyệt đối rằng đâu đó có thể có những hồn ma trong bóng tối. “Rất nhiều người đang sống bình thường bỗng ra đi”, chị nói. “Tôi chắc rằng họ khó mà chấp nhận thực tế ấy”. Sẽ rất kỳ lạ nếu ta không nghe ai nói gì về họ.