(maphuong)-Có nhiều hiện tượng hiện nay được mọi người cho đó là huyền bí, là văn hóa tâm linh như “cầu Thần nhập xác”, “lên đồng hầu bóng”, “hồn cô bóng cậu”, “đấu âm quyền”, “thôi miên”, “nhân điện”, “bùa mê thuốc lú” v.v…
Những hiện tượng nói trên đây, một phần xuất phát từ tín ngưỡng hay tập quán trong dân gian, một phần từ những môn phái, giáo phái, đa số xuất hiện từ đời nhà Minh đến đời nhà Thanh bên Trung Quốc, du nhập vào nước ta từ những năm Bắc thuộc đến giữa thế kỷ 20 mới hoàn toàn chấm dứt, và từ thời gian này trở đi chúng ta đã ít nghe nói đến những chuyện huyền bí, thần kỳ mới mẻ nào xuất hiện.
Những hiện tượng thần bí từ tín ngưỡng dân gian là những tục thờ cúng vượt ngoài khuôn khổ một tôn giáo. Ở nước ta có tín ngưỡng thờ Tam, Tứ Phủ còn gọi là đạo thờ Mẫu, tuy sắc thái mang tính độc lập, nhưng thực tế đạo Mẫu thuộc về tín ngưỡng thờ thần linh.
Tín ngưỡng thờ Thần không chỉ có ở nước ta hay ở nhiều nước Á châu, mà nhiều nơi thế giới đều có, được giới nghiên cứu cho rằng nó được hình thành từ tín ngưỡng “sa man giáo” của người Hung Nô, Tây Tạng trước Công nguyên.
Theo đó trong tín ngưỡng thờ Thần, mọi người thờ cúng cho một hay nhiều vị thần linh được sùng bái tôn vinh nhất. Tuy nhiên lại không thuộc vào dạng “tín ngưỡng đình miếu”, vì các vị Thần được thờ cúng trong đình miếu không được nhân rộng, như thành hoàng làng Y, làng X, không được mọi người đưa đi phối tự mọi nơi, còn tín ngưỡng thờ Thần linh, Thánh Mẫu lại được mọi người thiết lập đền miếu trải dài từ Bắc xuống Nam.
Với sự phân biệt trên, các nhà nghiên cứu xã hội học cho đây là loại hình “văn hóa tâm linh” đang hiện diện trong đời sống tâm linh của mọi người, nhất là những người không theo một tôn giáo chính thông nào, hơn là “văn hóa thần bí”, dù tín ngưỡng này còn ẩn tàng những tập tục được mọi người xem là thần bí, với những tập quán đầy tính chất thần kỳ.
Như đã nói, các nhà nghiên cứu về văn hóa tâm linh, gọi tín ngưỡng thờ thần có thể là “sa-man giáo” được biến thể, sau khi trải qua nhiều ngàn năm, là một loại hình tôn giáo bộc phát manh mún chưa được tập hợp, vì người theo Sa-man giáo thờ từ thần linh hiển Thánh hiển Thần, cho đến các linh hồn người đã chết, cung cách thờ tự, cúng tế nhiều khi không theo một quy luật nhất định.
Những người Sa-man giáo nguyên thủy, trước đây họ nghĩ gì thờ nấy, không có không gian và thời gian nhất định; trong việc tế lễ thường tự dày vò thể xác với nhiều hình thức như cắt lưỡi, xuyên lình, đi qua than đỏ lửa hồng, nằm trên đinh, cho rắn, rết, ong, kiến độc cắn khắp thân thể, đánh roi cho rướm máu, lấy đao kiếm tự đâm vào người v.v… cuối cùng vẫn vẹn toàn thân thể.
Cho đến bây giờ những hình thức sùng bái ấy vẫn còn tồn tại và hình thức không nhiều thay đổi, đôi khi còn phát sinh thêm những hình thức kỳ bí khác.
Vì thế màu sắc thần bí trong đời sống tâm linh mỗi người, còn nhiều điều cần được khám phá. Chúng ta thử tìm hiểu những điều được cho là thần bí ấy, trong vài mẫu chuyện điển hình sau đây.
Video Clip: Hầu đồng Quan lớn Tuần Tranh
Video Clip: Xiên lình ở Thái Lan
Người sa-man giáo được nói ở phần trên đâ, được cho rằng phát xuất từ vùng cực Bắc của Trung Quốc, nơi có dân Tây Tạng và Hung Nô sinh sống đông đảo trước công nguyên, tập hợp thành tập thể, thành những bộ lạc du mục, có đời sống nhược tiểu, man khai.
Người Hung Nô (sau này được gọi dân Mông Cổ) có những buổi “cầu Thần nhập xác” không khác với tín ngưỡng thờ Tam, Tứ Phủ (thờ Mẫu) ở nước ta. Khi thừa nhận trong đời sống của họ đều có Thần, Thánh và ma quỷ ở chung quanh, tin rằng Thần, Thánh, ma quỷ có thể can thiệp vào mọi công việc, đem lại họa hay phúc cho mọi người.
Từ thời trung cổ, các bộ tộc Hung Nô thường cầu Thần cho được mùa sản xuất, khi đi đánh trận sẽ được thắng lớn hoặc để xua đuổi tà ma, hay khi chôn cất người chết, cầu được phúc được lộc, để chữa bệnh v.v…
Theo cách của người Hung Nô, mỗi khi “cầu Thần nhập xác”, thầy phù thủy như người đồng cốt, thầy pháp, thầy cúng, thầy mo ở nước ta, dùng trống một đầu bịt da dê, trên đầu đội mũ, thân mặc đạo tràng lông thú, đi giày đã được các thần linh chứng minh.
Trên vai đính vô số vỏ sò, trước và sau lưng treo những cái gương đồng to nhỏ khác nhau, trong đó gương yểm tâm và hộ bối lớn nhất, tác dụng để soi thấy thần linh và ma quỷ hiện về trong những buổi đăng đàn.
Dân Hung Nô gồm những bộ lạc du mục, nên mỗi khi đăng đàn tế lễ, các thầy phù thủy tìm đến những bãi đất trống, đốt lên một đống lửa to vào lúc nửa đêm, vì trong đêm tối các vị thần linh hay các giống ma quỷ mới xuất hiện. Những người có bệnh, người muốn chiêu hồn nhập xác để bói quẻ, hay người hiếu kỳ ngồi quanh bên bãi đăng đàn.
Khi sự chuẩn bị đã xong, các phù thủy mới đăng đàn, tay cầm trống tay cầm dùi, ngồi xếp chân trên một vị trí trước cái tháp chỉ cao hơn mặt đất chừng một thước (đàn tràng), trên đó bày biện đầy những lễ vật như cừu nướng, dê nướng, cá nướng, những hình nhân được tết bằng rơm cùng những choé rượu đầy.
Thầy đưa mắt lim dim miệng ngáp liền mấy cái, rồi bắt đầu đánh trống. Tiếng trống càng lúc càng nhanh càng to, là lúc thần linh đã nhập vào xác, bấy giờ thầy phù thủy bắt đầu mở miệng nói lảm nhảm, thân hình cứ lảo đảo lắc lư, giống người đang nhập đồng ở nước ta.
Sau những cơn lảo đảo lắc lư, người bắt đầu run rẩy một hồi lâu, sau đó liền rùn người co vai và dần dần mất hết tri giác khi tay không còn đập trống nữa. Lúc đó thầy mới đứng lên nhảy múa, miệng bắt đầu nói những điều tiên tri cho mọi người cùng nghe. Tức những lời do thần linh vừa nhập xác phán truyền.
Những ai đau yếu bệnh hoạn được dìu đến trước vị thần linh vừa nhập, khai rõ bệnh tình xin thần chữa trị, tùy mỗi bệnh có một vị thần khác nhau nhập về để chữa trị, sau đó thần linh sẽ ngậm rượu phun vào mặt bệnh nhân, đốt bùa hòa tan trong rượu đưa cho bệnh nhân uống.
Có người bệnh phải có Thần X., Thần Y. trị, nhưng khi thầy phù thủy mời các vị này không giáng về, xem như bệnh nhân không chữa được nữa. Còn người bị ma quỷ nhập các thần dùng roi đánh vào thân thể để trục xuất bọn ma quỷ ra khỏi thân xác và linh hồn.
Có những quỷ dữ không chịu xuất, người ta thấy thầy phù thủy đang được thần linh mượn xác, dậm chân múa tay ra chiều giận dữ, nhảy nhót lung tung, tay giang ra rồi dồn hết sức đánh đông, chặn tây vào người bệnh, miệng niệm chú để chiến đấu với bọn âm binh. Có khi thần linh đánh nhau với bọn ma quỷ gần đến sáng mới trục được chúng ra khỏi người bệnh nhân.
Là lúc mọi người thấy người bệnh té nằm lăn bất tỉnh mới biết thần linh đã chiến thắng; còn nếu như thầy phù thủy bị té nằm bất tỉnh, tức con ma, con quỷ còn nhập trong xác người bệnh chưa chịu xuất, gia đình phải đưa bệnh nhân đến một bộ lạc khác nhờ thầy phù thủy cao tay ấn hơn xin trục chúng ra khỏi người.
Trên đây là buổi “cầu Thần nhập xác” mà người Hung Nô gọi là “khiêu Thân”. Một trong những hình thức trong đời sống “tâm linh” của nhiều dân tộc, khi trong tư duy còn tin có Thần, Thánh, ma quỷ đang ngự trị trong cuộc sống.
Ở Trung Quốc vào đời Quang Tự nhà Thanh, ai ai cũng biết tiếng Nghĩa Hòa Đoàn, một bang hội có nhiều pháp thuật, lấy bùa phép đem bán buôn và trị bệnh. Người của Nghĩa Hòa Đoàn tuyên truyền bằng các thuật “thăng không”, do các bé gái hay các thiếu nữ trong Hồng Đăng Chiếu biểu diễn, còn bọn con trai chỉ cỡ tuổi lên 10 có trò “đấu âm quyền”, cũng là hình thức “cầu Thần nhập xác”.
Đấu âm quyền có nghĩa, người đấu quyền với ma hay hay với quỷ. Khi bọn trẻ chỉ trên dưới 10 tuổi được đưa đến trước đàn tràng, mỗi đứa sẽ đốt một cây nhang rồi cầm quỳ lạy kêu “sư phụ” đưa hồn về nhập xác, mỗi đứa có một sư phụ riêng, như đứa được Tề Thiên Đại Thánh chỉ dạy, đứa có Võ Tòng, đứa theo Hạng Võ, đứa được Trương Phi, Triệu Tử Long hướng dẫn v.v…
Muốn được “sư phụ” nhập xác, vị sư trưởng cho chúng uống bùa, chuẩn bị sẵn quần áo đạo cụ theo hình tượng của các sư phụ, như Tề Thiên Đại Thánh phải mặc áo da thú màu vàng rằn ri, đầu đội vòng kim cô, tay cầm thiết bảng. Còn Hạng Võ người mặc áo chiến bào, tay cầm thương, Võ Tòng lại chỉ có tay không…
Khi vị sư trưởng cho uống bùa xong, liền đọc bùa chú bằng tiếng Tây Tạng (tiếng Phạn), gọi là “thượng pháp” tức thỉnh Thần. Bọn trẻ bắt đầu nằm sấp xuống, khi được gọi tên sẽ vùng dậy đấu võ với sư trưởng, đao kiếm bay tới tấp, người bọn chúng cứ nhẹ như bông, dương oai diệu võ. Lúc bùa hết linh ứng tức thì chúng đã hết sức lực, lại nằm sấp xuống, răng nghiến chặt, miệng xùi bọt mép.
Các hạng mục biểu diễn được gọi theo thứ tự như sau :
– Khi vị sư trưởng đọc bùa chú gọi là thỉnh thần.
– Khi đấu võ với sư trưởng gọi là thần giáng.
– Khi hết bùa phép được gọi là khước pháp.
Một cách “đấu âm quyền” khác, do người lớn biểu diễn sau khi đã được “cầu Thần nhập xác”, được cho biết hồn người đang đi xuống âm phủ học võ với các hồn ma khi sống là những ông thầy võ tên tuổi.
Trước hết người chủ trì rửa tay, đốt một ngọn đèn trước hương án, được gọi “đèn thần” đưa xuống Diêm phủ để rọi đường đi. Sau đó đốt một bó nhang lấy ba cây cắm vào bát nhang đặt trước “đèn thần”, số nhang còn lại đi ra trước cửa cắm vào 2 bên trái phải sau khi khấu đầu lạy mỗi nơi một lạy. Còn giữa cửa ra vào cách bàn hương án chừng năm, ba thước, người chủ trì quỳ xuống quay mặt về bàn thờ, khấn lạy thần linh, xong đứng dậy cắm vào khe tường hai bên bàn mỗi bên một cây nhang.
Sau khi cắm nhang xong ở ba nơi, người chủ trì liền đốt một xấp giấy tiền vàng bạc. Đoạn lấy một chén nước sạch đặt lên hương án, đốt ba tờ giấy bùa, tàn cho vào chén nước rồi cầm số nhang còn lại huơ lên ba vòng quanh thân chén.
Bấy giờ mới ra hiệu cho số đệ tử đến ngồi trên những cái ghế ngựa đặt trước hương án, mặt nhìn ra cửa. Sau khi đệ tử đã yên vị, người chủ trì cho họ uống chén nước đã hòa với xác bùa, đồng thời đưa mỗi người một cây nhang rồi hô to : – Thăng !
Tức thì số đệ tử liền cúi rạp mình xuống, hai đùi kẹp chặt nhau, mắt nhắm nghiền và không nói, không nuốt nước bọt, không suy nghĩ, trong đầu chỉ tập trung nghĩ đến việc xuống Diêm phủ tầm thầy học võ.
Khoảng một lúc, trong số đệ tử có người đã thở dốc, toàn thân co gập lại, lâu lâu như người bị chứng phong giật. Cây nhang cầm trên tay do run rẩy rơi xuống, đôi chân của họ liền dậm mạnh xuống đất theo nhịp lắc lư của thân hình.
Có khi nghe tiếng dậm đạp nhanh hay chậm, người chủ trì cho hay họ đang phi ngựa về hướng “Quỷ Môn Quan”, hay đang trình báo với Qủy Vương tìm sư phụ có tên XXXX.
Đệ tử nào “thăng” được, tâm hồn họ như đi vào trạng thái mê cuồng, nhìn người chủ trì đang niệm chú tâm sự :
– Con chưa gặp được lão sư phụ XXXX.
Người chủ trì liền đáp :
– Con bình tĩnh chờ đợi, lão sư phụ XXXX đang được Quỷ Vương mời đến nơi rồi.
Một đệ tử khác cũng đã đến trước “Quỷ Môn Quan” và nói với người đến trước :
– Ta là võ sư XXXX đây, con muốn gì ở ta ?
Người nọ bèn đáp :
– Dạ con muốn học bí kíp võ công của sư phụ.
Thế là hai người bắt đầu vận động cho cơ thể nóng lên, chuẩn bị đấu quyền, giữa một người được võ sư XXXX nhập, và một người đưa hồn đi tìm thầy học võ dưới âm phủ.
“Võ sư XXXX” liền nghiến răng bay lượn, ra quyền phóng cước ào ào, người kia cứ tập theo, đoạn hai người đem sở trường, sở học ra đấu kiểm tra, lúc lùi lúc đấm, lúc đá…
Người chủ trì “trên dương thế” muốn cả hai phải ngưng tay khi thấy ba cây nhang trên bàn hương án sắp tàn, liền lấy một cây gậy dài vẽ ra một vòng tròn dưới đất đoạn nói :
– Một trong hai người, ai bị đánh văng ra khỏi vòng tròn là thua cuộc !
Tức thì cuộc đấu quyền cước càng lúc càng tưng bừng, mạnh mẽ, nhanh nhẹn hơn, một người bị đá văng ra ngoài vòng. Người chủ trì thấy thế lại hô to :
– Về lại nhà ngay !
Lúc ấy cả hai đệ tử lại biễu diễn động tác phi ngựa trở về. Mọi người xem “đâu âm quyên” thây hai đệ tử sau khi ngôi lại trên ghê bông lăn xuống đất, mê man. Người chủ trì cho biết, cả hai đã quá mệt sau khi đấu võ dưới âm ty.
Ba cây nhang đốt trước “đèn thần” chỉ cho phép người xuống dưới âm phủ lên lại trần thế khi cây nhang chưa tàn, còn nhang đã tàn mà người chưa lên ắt sẽ chịu chết không còn cứu nổi.
“Hành thi” cũng thuộc “vu thuật”, tức mượn thây người chết cho hoàn hôn lại một thời gian như người sống, nghe thoáng qua thật rùng rợn. Theo tương truyền thuật này thường xảy ra ở cao nguyên tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Có người kể, các thương nhân vùng Quý Châu, tỉnh Hồ Nam chuyên nghề buôn gỗ, thường chờ mùa nước nổi mới kéo bè đi chở gỗ về Thường Đức để bán.
Đường rừng, đường sông thường là nơi “rừng thiêng nước độc” làm nhiều người hay ngã bệnh sốt rét mà chết, đường xá về quê nhà lại xa xôi, đi lại khó khăn, nên không thể đưa xác về bằng bè cho kịp thời gian tẩn liệm. Trong số thương nhân buôn gỗ luôn phải có người đồng hành là một pháp sư biết thuật “hành thi”, dùng phép thuật cho thây ma “mượn hồn” được sống lại cả tháng, đi theo đường bộ mà về nhà. Đi đứng nằm ngồi do pháp sư hướng dẫn.
Trong thuật “hành thi” không chỉ có một vị pháp sư, mà phải đủ hai người mới thực hiện được, thường người thứ hai là đệ tử của ông ta.
Một người đi trước dẫn đường, một người cầm chén nước có bùa chú đi sau người chết. Nếu nước trong chén không sánh ra ngoài, thây ma sẽ không ngã, nhưng cách đi đứng của thây ma có khác người thường và nhất nhất đi theo người dẫn đường phía trước, cũng như thây ma không thể nói năng đến nửa lời vì đây là người đã chết.
Người đi trước đi thì thây ma đi, nếu dừng chân thì thây ma dừng theo. Ban đêm vào quán trọ, cho thây ma hết chịu ảnh hưởng của bùa chú nên để nằm một nơi, nhưng thông thường họ để thây ma nằm gác nơi trước cửa, còn ăn cơm “ba người ngủ trọ, chỉ có hai người ăn cơm”.
Một ngày trước khi vê đên nhà, hồn người chết sẽ về báo mộng cho thân nhân biết tin trước, chuẩn bị quan tài để sẵn, các đồ khâm liệm. Khi thây ma vừa về đến nhà sẽ đứng sừng sững cạnh bên quan tài, tức thì người đi sau đổ chén nước có bùa chú xuống đất, xác chết liền ngã xuống nền nhà.
Chuyện “hành thi” nhiều khi phải đi như thế cả tuần, hay mười ngày ròng. Cho nên khi xác chết vừa nhập thổ phải được khâm liệm ngay, nếu không do thời gian đi đường kéo dài xác chết đã thối rữa, có hiện tượng xì nước hay có dòi từ trong người xuất hiện.
Việc mượn hôn như “câu Thân nhâp xác” để bay lơ lửng lên trời, nghe thây hoang đường nhưng mọi người tin là có thật. Trong nhóm Nghĩa Hòa Đoàn thời cuối nhà Thanh, đã có những cô gái biết bay tức học được thuật “thăng không” (bay lên trời). Nhưng thuật này theo tương truyền đã có từ đời nhà Tống.
Thông thường vào ngày rằm tháng giêng, hay vào những ngày âm khác, các cô gái trẻ còn trinh trăng thường chiêu hồn Tử cô về nhập xác. Nhưng vào ngày tết Nguyên Tiêu, các “Tử cô” thường về nhập xác để vân du (cưỡi mây) hơn những ngày âm trong năm.
Câu chuyện về cầu “Tử cô” (cô gái còn trinh chết non) nhập xác cưỡi mây (thăng không) như sau :
– Đời Cảnh Hựu (1034-1037) có viên quan tên Vương Luân, có cô con gái thích vào ngày rằm lập đàn tràng đón tử cô về nhà. Thường khi nhập xác Tử cô hay phán truyên cho biêt những chuyên vị lai, hay dẫn xác bay lơ lững trên không, làm xác rât thích thú. Tử cô liền nhập vào xác cô con gái họ Vương, tự xưng đang là cung nữ sống trong hậu cung của Giao Trì Vương Mẫu, còn tự khoe là tiên nữ nên rất đẹp người, giỏi thơ văn đàn họa. Khoe xong và để chứng minh, Tử cô liền viết ngay một bài thơ khiến Vương Luân mới tin là đúng, vì con gái ông không biết làm thơ, lại thêm nét chữ rồng bay phượng múa mà con ông chưa hề viết đẹp đến thế.
Tử cô còn nói với Vương Luân :
– Trước đây ngài là bạn thân của cha tôi, còn tôi cũng thân với con gái của ngài.
Bấy giờ Vương Luân nhìn lại con gái, thấy hình dáng đã thay đổi, mặt rất giống đứa con gái của người bạn xưa, nhưng chỉ thấy từ phần bụng trở lên. Rồi Tử cô lại nói tiếp :
– Tôi có thể đưa con gái ngài cưỡi mây cùng tôi dạo chơi hay không ?
Vương Luân liền gật đầu đồng ý, thế là trước đàn tràng đùn đùn toàn mây trắng thoát ra, Tử cô mượn xác con gái của Vương Luân nhập hồn, liền đi đến ngồi lên, nhưng mây không bay lên được. Ông lại nghe có giọng nói từ trong mây vang vọng ra rằng :
– Dưới gót hài nàng mang có đất bẩn, cần phải bỏ đi.
Tử cô nghe theo liền thoát bỏ đôi hài, đi chân không trèo vào mây, người nhẹ như bông. Đám mây trắng đưa thân xác cô gái bay lên, một khắc sau đã đáp xuống. Theo lời kể của cô con gái, lúc cưỡi mây tâm hồn cô thấy nhẹ tênh, lâng lâng niềm sảng khoái, thấy bầu trời bao la đầy cảnh đẹp tựa bài thơ ca tụng cảnh bồng lai.
Tử cô mới nói với Vương Luân :
– Tôi trở về cung Vương Mẫu đây, đi chơi lâu quá rồi xin hẹn lại lần sau.
Con gái Vương Luân còn mời Tử cô về nhà được mấy lần nữa, lần nào cũng được Tử cô cho “đi mây về gió”, đến khi cô gái đi lấy chồng Tử cô không nhập về nữa.
Có người nói Tử cô chỉ nhập xác với người hợp tuổi, hợp vía và hãy còn đồng trinh, khi thành đàn bà không còn sự trong trắng bản thân, Tử cô không mượn xác nhập hồn mà vân du nữa.
Có thể chuyện trên chỉ thuộc loại thần thoại hoang đường, nhưng vào thời văn minh cận đại, một tổ chức của Nghĩa Hòa Đoàn có tên Hồng Đăng Chiếu, từng dùng chiêu “cầu Thần nhập xác thăng không” để truyền bá giáo phái.
Tổ chức Hồng Đăng Chiếu chỉ dùng các cô gái khoẻ đẹp, không lớn quá 18 và không nhỏ quá tuổi 12, mặc quần áo, giày vớ đỏ, đầu quấn khăn đỏ; một tay cầm quạt đỏ, một tay cầm khăn đỏ. Mỗi khi muốn bay lên không, liền đốt ba nén nhang miệng niệm chú, tay vẩy quạt, là có thể bay lên khoảng không đến mấy thước.
Người của Hồng Đăng Chiếu thường dạy các cô gái như sau, khi mới luyện chờ đêm khuya thanh vắng, các cô dùng một chậu bằng đồng chứa đầy nước, rồi nhìn vào thau đồng đọc bùa chú, một lúc thì đứng được trên miệng chậu, đoạn dùng hai tay phe phẩy quạt và khăn là có gió nổi lên, thế là các cô gái từ từ bay lên. Tập như vậy chỉ năm, mười bữa là thuần, có thể bay lơ lửng lên không đến mười thước.
Thuật “Tẩu âm” thuộc hình thức vu thuật cổ nhất, các sách cho rằng tẩu âm có từ thời cổ đại của Hy Lạp, La Mã và Ai Cập tức thời kỳ những nước này đang là những Đế Quốc hùng mạnh nhất trong thiên hạ, từng đi chinh phục khắp các nước châu Âu, châu Phi hai bờ Địa Trung Hải. Sau này ở Ấn Độ, Trung Quốc cũng phổ biến thuật tẩu âm, tức cho người sống gặp người chết.
Thuật này xuất hiện mỗi khi có ngày lễ lớn, các thầy tư tế đều tiến hành, bói trừ tai họa cho tín đồ, có khi còn tổ chức “tẩu âm” cho tập thể.
Vị tư tế – ngày xưa chưa có các giáo sĩ Ki Tô giáo, tăng lữ Phật giáo hay tín đồ Hồi giáo… – trông coi việc cúng bái thờ tự thần linh, đăng đàn đảo vũ cầu mưa, cầu giải trừ tật ách. Vị tư tế cho tín đồ nhìn vào rún của mình, chỉ một lúc sau các tín đồ đều nhắm mắt đi vào trạng thái mê ảo, thấy được thần linh hiện về truyền cho nhiều điều dự báo sắp đến trong gia đình, hay để chữa bệnh.
Còn những ai muốn gặp riêng hồn người chết phải được làm riêng lẻ, vị tư tế dùng thuật “thôi miên” nhìn vào mắt người đối diện, miệng niệm chú, sẽ thấy hình dáng người thân hiện ra trong đầu, rồi với hình thức “thần giao cách cảm” mà trò chuyện với người trong mộng.
Vào thế kỷ 19 các nước trung Âu có cách tẩu âm mới, tức thuật “cầu cơ” triệu hồn, hay một nhóm người vỗ bàn mời linh hồn người chết trở về.
– CẦU CƠ : người muốn cầu cơ phải có một mảnh ván quan tài lấy từ dưới huyệt mộ lên, cắt thành một cái bàn hình chữ nhật viết lên đó đủ mẫu tự ABC, có hai ô bên trái thuộc Dương biểu tượng cho người nam, bên phải thuộc Âm biểu tượng cho nữ giới. Mỗi bên cũng lấy ván hòm cắt thành hình trái tim – biểu tượng cho tiếng nói tận đáy lòng –
Bất cứ vào ngày nào cũng được, nhưng người châu Âu thích cầu cơ vào các ngày thứ sáu 13 ngày mà theo tính sùng bái cho là ngày xui rủi và ma quỷ thường hiện về, hoặc vào ngày 1 tháng 11 dương lịch tức ngày lễ các Thánh, tưởng niệm các linh hồn người chết…
Vào giữa đêm, hai người đi đến bãi tha ma nơi chôn cất người thân mà họ muốn mời hồn về trò chuyện. Đặt bàn cầu cơ trước ngôi mộ và dưới ánh sáng mù mờ của ngọn đèn, người thay mặt cho linh hồn người chết sẽ ngồi đối diện, nếu hồn được triệu về là nam giới, người được mượn xác chỉ dùng một ngón tay trỏ đặt lên mặt trái tim bên Dương, còn người hỏi chuyện cũng dùng ngón tay trỏ đặt lên trái tim còn lại.
Trước khi đi vào buổi cầu cơ, hai người ngồi đọc những bài kinh sám hối, ở châu Âu đa số người theo Ki-tô giáo và Tin Lành, nên thường đọc kinh Phúc âm, còn ở châu Á dù theo đạo Phật hay không, người ta không đọc kinh kệ mà trong lòng chỉ thành tâm khấn vái, rồi gọi tên tuổi người chết để mời linh hồn họ về nhập xác, nói chuyện trên bàn cơ.
Nếu linh hồn người chết đã nhập xác, tức thì ngón tay trỏ giữ trái tim bên Dương, sẽ nhẹ nhàng lướt đến từng mặt chữ để thành câu hỏi hay lời giải đáp, người xin cơ như có “thần giao cách cảm” ngón tay trỏ của họ cũng nhẹ nhàng đẩy trái tim đến những mẫu tự để đối đáp.
– VỖ BÀN : cũng thuộc thuật chiêu hồn, tức một nhóm người ngồi quanh một cái bàn cùng tham gia, đa số mặt bàn đóng bằng ván quan tài đã cải táng. Vị đồng cốt (phù thủy) lẩm nhẩm đọc thần chú gọi hồn người chết về trả lời các câu hỏi do thân nhân đang ngồi bên bàn lên tiếng, vị này sau khi đọc xong liền vỗ vào bàn, như để mời gọi hồn người chết về. Nếu hồn người chết về đến thì bàn tự nhiên run lên hay nghiêng lệch một bên.
Thường các gia đình có người mới chết mới dùng thuật tẩu âm đê mời hôn người thân vê hỏi những điêu trước khi lâm chung không được rõ ràng, hay nhờ vấn kế, phù hộ công việc mà người sống đang vướng mắc không thể giải quyết.
Vì có người tin vào vu thuật, nên mới có tục sùng bái Thần Thánh, linh hồn người chêt qua các thuật nhập đồng, khiếu thần… như vừa kể trên.
THIÊN VIỆT
TAMTHUC