Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương
nghi-an-chinh-tri-gia-mua-chan-tay-nguoi-bach-tang-lam-bua-may-man Nghi án chính trị gia mua chân tay người bạch tạng làm bùa may mắn
Sunday, 01/02/2015 09:00 am
Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương

Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương

Người bị bệnh bạch tạng ở Tanzania đang bị “săn lùng ráo riết” khi mà những bộ phận để làm bùa may mắn như chân tay của họ có giá lên đến 4000 USD.

Người ta tin rằng các bộ phận cơ thể của người bệnh bạch tạng sẽ mang lại sự giàu có và may mắn cho những ai sở hữu nó. Nhiều người sẵn sàng bỏ ra 3000-4000USD để mua một bàn tay, bàn chân hay trả cả 75.000 USD để sở hữu toàn bộ cơ thể của người bị bạch tạng.

Chính vì vậy, những người bị bạch tạng thường xuyên bị tấn công, bị chặt chân tay, thậm chí bị giết chết vì những kẻ tham lam được gọi là witchdotor (bác sĩ phù thủy).

Tại Tanzania, các bộ phận cơ thể của người bạch tạng được coi là mang lại may mắn

Bạch tạng là một bệnh di truyền mà bệnh nhân hoàn toàn không có sắc tố trong da, tóc và mắt. Tỉ lệ mắc phải của căn bệnh này ở Tanzania là khá cao 1/1400 người, thường là kết quả của giao phối cận huyết ở vùng sâu xa và nông thôn nước này. Trong khi tỉ lệ ở phương Tây là 1/20.000 người.

Kể từ khi giới chức Tanzania thu thập thông tin về các cuộc tấn công, họ đã thống kê được 74 vụ giết người, trong đó có 59 người sống sót nhưng mang thương tật suốt đời, thậm chí những người bị bạch tạng chết cũng không yên ổn vì nạn đào mộ cướp xác, tổng cộng đã có 16 ngôi mộ bị cướp xác.

Những người bạch tạng bị tấn công có thể mất chân tay hoặc thậm chí bị giết chết

Dưới đây chỉ là một vài trường hợp ghi nhận được ở Tanzania:

Trường hợp gần đây nhất là cô bé 4 tuổi Pendo Emmanuelle Nundi bị bắt cóc trên đường về nhà vào tháng 12 năm ngoái. Cha và chú của cô bé đã bị bắt giữ vì liên quan đến vụ việc. Mặc dù cảnh sát đã treo thưởng lên đến hơn 1000 bảng Anh nhưng cô bé vẫn không được tìm thấy.

Tổ chức từ thiện làm việc trong khu vực không hy vọng nhiều vào sự trở lại an toàn của cô bé và nếu Nundi có sống sót thì cũng bị tật nguyền vì mất tay chân.

Trường hợp khác là cậu bé Mwigulu Matonange mới chỉ 10 tuổi khi cậu bị 2 người đàn ông lạ mặt tấn công trên dường từ trường về nhà . Chúng cắt rời cánh tay trái của Matonange trước khi biến mất vào rừng. “Cháu  đã bị dìm xuống như một con dê sắp giết mổ”, Matonange nói với kênh truyền thông IPP sau cuộc tấn công hồi tháng 2-2014.

Đối với Matonange, 2 người đàn ông tấn công cậu là người mà cậu chưa bao giờ nhìn thấy nhưng đối với Nundi, người cha cô bé đã bị xếp vào đối tượng tình nghi vì ông không báo cáo ngay lập tức với chính quyền việc con gái mất tích.

Josephat Torner, người vận động quyền lợi cho người bạch tạng tin rằng giáo dục ý thức là điều quan trọng

Một trường hợp khác đau lòng hơn là một phụ nữ bạch tạng 38 tuổi bị chồng và 4 người đàn ông khác tấn công bằng dao phay khi cô đang ngủ, hồi tháng 2-2013, theo báo cáo của Liên Hợp Quốc. Cô con gái 8 tuổi thấy cha ra khỏi phòng ngủ mang theo cánh tay của mẹ.

Những người bạch tạng ở Tanzania đang lo sợ trước cám dỗ của đồng tiền, khi mà giá trị của bộ phận cơ thể của họ gấp 3 lần lương tối thiểu trong nước. Điều này đã đẩy họ vào nguy hiểm, ngay cả từ chính gia đình mình.

“Bây giờ chúng ta có thể nhìn thấy các bậc cha mẹ đã tham gia vào việc lập kế hoạch tấn công. Chúng tôi có thể chiến đấu với những người xa lạ, nhưng với cha mẹ cũng như vậy, làm sao chúng tôi có đủ lòng tin với cuộc sống?”, Josephat Torner, người vận động quyền lợi cho người bạch tạng nói.

Josephat, người cũng bị bạch tạng nói thêm: “Những người bạch tạng đang bị truy nã và giết chết để cắt lấy các bộ phận cơ thể. Kẻ mua bộ phận này chỉ vì mong muốn giàu có”.

Josephat đau lòng khi đặt ra câu hỏi ai là những người đứng đằng sau trực tiếp mua “sản phẩm” này từ tay các bác sĩ phù thủy. Đến bây giờ câu trả lời vẫn chưa có nhưng ông hoài nghi và cho rằng chỉ có những người thực sự giàu có ở Tanzania mới có đủ điều kiện để bỏ ra một khoản tiền lớn như vậy.

“Đó có thể là các chính trị gia. Nó có thể là những người đó”. Lý thuyết của Josephat được hỗ trợ bởi Peter Ash, một người Canada đã thành lập các tổ chức từ thiện  trong năm 2009. “Trong một đất nước nghèo thứ 25 trên thế giới như Tanzania, những người duy nhất có nhiều tiền mặt là chính trị gia hay doanh nhân giàu có”, ông Josephanói.

Chỉ có 10 người bị đưa ra xét xử trong các cuộc tấn công. “Nhưng không một ai trong số đó là người mua. Họ chỉ là các bác sĩ phù thủy hay kẻ chém giết thuê”, Peter nói. “Họ không bao giờ nói tên khách hàng, ngay cả khi các bác sĩ phù thủy nhận án tử hình”.

Tuy nhiên, có một manh mối cho rằng khi các cuộc bầu cử diễn ra thì là lúc người bạch tạng bị săn lùng nhiều nhất. Và họ tin rằng cuộc tổng tuyển cử của Tanzania vào tháng 10 sắp tới là một trong những thời gian nguy hiểm nhất cho người bạch tạng.

Trước đó, Liên Hợp Quốc cũng từng cảnh báo, các nhà chính trị Tanzania đã đến gặp các bác sĩ phù thủy đề nghị giúp họ chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 8 năm ngoái.

‘Những người bạch tạng đang lẩn trốn trong khi diễn ra các cuộc bầu cử. Năm nay chúng tôi sẽ có một cuộc bầu cử. Kể từ năm ngoái, các cuộc tấn công và sát hại người bạch tạng đã tăng đáng kể”, Peter nói.

Chỉ trong 11 ngày hồi năm ngoái, đã có 5 vụ tấn công người bạch tạng ở Tanzania. Một cậu thanh niên 20 tuổi đã chết được tìm thấy trên thảm cỏ ở vùng ngoại ô của Dar Es Salaam, với cơ thể bị cắt xén. Ngày hôm sau, một người mẹ của 7 đứa trẻ cũng bị tấn công trong khu vực Tabora của Tanzania, và mất một cánh tay.

Pendo Sengerema 15 tuổi (phải) bị tấn công khi đang ăn tối cùng gia đình

Một vài ngày trước đó, Pendo Sengerema 15 tuổi bị tấn công khi cô ăn tối ở nhà với gia đình. Người đàn ông cắt cánh tay phải của Pendo, trước khi biến mất.

Theo tờ Same Sun, một bác sĩ phù thủy đã nhận được đơn đặt hàng từ một khách hàng giàu có là một cánh tay của Pendo với giá 600 USD. Cuộc tấn công đã khiến Pendo sợ hãi và cầu xin được đi khỏi ngôi làng của mình.

Trước tình hình đó, một số trung tâm an toàn cho người bạch tạng đã được thành lập ở Tanzania. Các trại thường có tường bao quanh kín để bảo vệ người bạch tạng, đây là phản ứng đầu tiên sau các trường hợp tấn công khủng khiếp ở đất nước này.

“Nó được coi là một giải pháp ngắn hạn, và không có kế hoạch lâu dài” Peter nói. Nhiều năm sau, vấn đề này có thể vẫn tồn tại, và bây giờ không chỉ trẻ em mà người lớn cũng phải ở trong các trung tâm vì sự an toàn của mình.
Trẻ em bạch tạng phải vào các trung tâm để tránh khỏi sự truy lùng của các bác sĩ phù thủy

Nhiều trẻ em đã phải ở trong các trung tâm 7 năm trời mà không dám về nhà, bởi gia đình và cộng đồng không cho phép chúng trở lại. Chúng đang lớn lên mà không có sự chăm sóc của bố mẹ.

Chính phủ Tanzania đang có những phản ứng sau vụ bắt cóc người bạch tạng mới nhất là cấm các bác sĩ phù thủy hành nghề. Tuy nhiên Peter và Jospehat đều cho rằng giáo dục ý thức là điều quan trọng hơn cả.

Họ đã phải mạo hiểm cuộc sống của mình để đi đến những vùng xa xôi của Tanzania để giải thích cho mọi người hiểu rằng bộ phận cơ thể con người sẽ không mang lại may mắn.

“Tại sao chúng tôi bị đe dọa ngay trên đất nước chúng tôi, bởi vì màu sắc da của chúng tôi ư? Chúng tôi đang sống như những người tị nạn trên đất nước của chúng tôi, chúng tôi đang bị trừng phạt. Chúng tôi mong muốn được sống đơn giản như những người khác”, Jospehat nói.

Theo: Hà Triệu, Theo Dailymail

TAMTHUC