(maphuong)-Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam tọa lạc nơi chân núi Sam, thuộc thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang,. Đây là một di tích (lịch sử, kiến trúc & tâm linh) quan trọng của tỉnh và của khu vực.
Nguồn gốc
Cách đây khoảng 200 năm, tượng Bà (sau được gọi tôn là Bà Chúa Xứ) được dân địa phương phát hiện và khiêng xuống từ đỉnh núi Sam bằng 9 (có nguồn nói 12 hoặc hơn nữa) cô gái đồng trinh, theo như lời dạy của Bà qua miệng “cô đồng”, nên người dân đã lập miếu để tôn thờ.
Có ý kiến cho rằng ngài Thoại Ngọc Hầu hoặc vợ là bà Châu Thị Tế là người đã ban lệnh và hỗ trợ việc xây dựng miếu. Tuy khó xác minh, nhưng biết chắc là miếu ra đời sau khi vị quan này về đây trấn nhậm và đào con kênh Vĩnh Tế hoàn tất (1824) mang lại lợi ích rõ rệt cho lưu dân và dân bản địa.
Ban đầu miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam được cất đơn sơ bằng tre lá, nằm trên vùng đất trũng phía tây bắc núi Sam, lưng quay về vách núi, chính điện nhìn ra con đường và cánh đồng làng.
Năm 1870, ngôi miếu được xây dựng lại bằng gạch hồ ô dước. Năm 1962, ngôi miếu được tu sửa khang trang bằng đá miểng và lợp ngói âm dương. Năm 1965, Hội quý tế cho xây nới rộng nhà khách và làm hàng rào nhà chính điện của ngôi miếu. Năm 1972, ngôi miếu được tái thiết lớn và hoàn thành vào năm 1976, tạo nên dáng vẻ như hiện nay.
Đến khi ấy, kiến trúc miếu có dạng chữ “quốc”, hình khối tháp dạng hoa sen nở, mái tam cấp ba tầng lầu, lợp ngói đại ống màu xanh, góc mái vút cao như mũi thuyền đang lướt sóng. Bên trong miếu có võ ca, chánh điện, phòng khách, phòng của Ban quý tế…
Các hoa văn ở cổ lầu chính điện, thể hiện đậm nét nghệ thuật Ấn Độ. Phía trên cao, các tượng thần khỏe mạnh, đẹp đẽ giăng tay đỡ những đầu kèo. Các khung bao, cánh cửa đều được chạm trổ, khắc, lộng tinh xảo và nhiều liễn đối, hoành phi ở nơi đây cũng rực rỡ vàng son. Đặc biệt, bức tường phía sau tượng Bà, bốn cây cột cổ lầu trước chính điện gần như được giữ nguyên như cũ.
Tượng Bà Chúa Xứ Núi Sam
Nguồn gốc pho tượng đến nay vẫn còn là điều bí ẩn. Tục truyền, tượng được đem đến đây bằng thuyền.
Khi xưa, tượng Bà ngự trên đỉnh núi Sam, gần Pháo Đài. Chứng minh cho điều này là bệ đá Bà ngồi vẫn còn tồn tại (ảnh). Bệ đá có chiều ngang 1,60m; dài 0,3m, chính giữa có lỗ vuông cạnh 0,34m, loại trầm tích thạch màu xanh đen, hạt nhuyễn, không có ở địa phương.
Theo nhà khảo cổ học người Pháp là Malleret đến nghiên cứu vào năm 1941, thì tượng Bà Chúa Xứ Núi Sam thuộc loại tượng thần Visnu (nam thần), tạc dáng người nghĩ ngợi, quý phái, chất lượng bằng đá son, có giá trị nghệ thuật cao, được tạc vào cuối thế kỷ thứ VI, và rất có thể đây một trong số hiện vật cổ của nền văn hóa Óc Eo.
Sau này, nhà văn Sơn Nam cũng đã chép rằng :Tượng của Bà là pho tượng Phật đàn ông của ngườiKhmer, bị bỏ quên lâu đời trên đỉnh núi Sam. Khi người Việt Nam tiến đến khai hoang lập ấp đưa tượng vào miễu, điểm tô lại với nước sơn, trở thành đàn bà mặc áo lụa, đeo dây chuyền. Và từ đó “Bà Chúa Xứ” là vị thần có quyền thế lớn ở khu vực ấy, xứ ấy…
Cũng theo lời truyền miệng dân gian, thì khi xưa có một nhóm người đến quấy nhiễu nơi đây. Gặp tượng Bà, họ muốn lấy đi nhưng xê dịch không được nên tức giận đập gãy cánh tay trái của pho tượng.
Chung quanh tượng Bà (đặt ở giữa chính điện), còn có bàn thờ Hội Đồng (phía trước), Tiền hiền và Hậu hiền (hai bên), bàn thờ Cô (bên phải, có thờ một tượng nữ thần nhỏ bằng gỗ), bàn thờ Cậu (bên trái, có thờ một Linga bằng đá rất to, cao khoảng 1,2 m)…
Việc thờ cúng
Lễ Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam được tổ chức trang trọng từ ngày 23 đến 27 tháng 4 Âm lịch hàng năm, trong đó ngày vía chính là ngày 25. Các lễ chính gồm :
– Lễ “tắm Bà” được cử hành vào lúc 0 giờ đêm 23 rạng 24 tháng 4 âm lịch.
– Lễ “thỉnh sắc” tức rước sắc và bài vị ngài Thoại Ngọc Hầu cùng hai phu nhân từ Sơn lăng về miếu bà, được cử hành lúc 15 giờ chiều ngày 24.
– Lễ túc yết và Lễ xây chầu : Lễ “túc yết” là lễ dâng lễ vật (lễ vật chính là con heo trắng) và tiến hành nghi thức cúng Bà, lúc 0 giờ khuya đêm 25 rạng 26. Ngay sau đó, là “Lễ xây chầu” mở đầu cho việc hát bộ (còn gọi là hát bội hay hát tuồng) .
– Lễ chánh tế được cử hành vào 4 giờ sáng ngày 27.
– Lễ hồi sắc được cử hành lúc 16 giờ chiều cùng ngày, ngay sau khi Lễ chánh tế kết thúc. Đây là lễ đem sắc và bài vị Thoại Ngọc Hầu cùng hai phu nhân về lại Sơn lăng.
Theo tín ngưỡng của người dân, nơi đây vẫn còn có những tục như xin xăm Bà, vay tiền Bà, thỉnh bùa Bà…
Ý nghĩa việc thờ cúng
Nhà văn Sơn Nam viết:
Bà Chúa Xứ, dạng đạo Lão dân gian, thu hút bá tánh nhiều nhất Nam Bộ. Cất bên chùa Tây An nhưng trong “Đại Nam nhất thống chí” không ghi tên, phải chăng đời Tự Đức và khi Pháp đến hồi cuối thế kỷ thứ XIX, miễu hãy còn khiêm tốn, khách hành hương chỉ là người phụ cận mà thôi. Miễu phát triển về sau, qua thời kháng Pháp…
Lăng Thoại Ngọc Hầu được trùng tu, rồi lập miếu thờ trang nghiêm như đình làng, nhưng vẫn không đáp ứng được yêu cầu của con người khi quá đau khổ, bế tắc. Miễu bà Chúa Xứ được nâng cấp, thay cho miễu sơ sài… Đây là dạng tu tiên, một dạng như : Tây Vương Mẫu, Cửu Thiên Huyền Nữ, hoặc công chúa Liễu Hạnh… nên việc thờ phượng, cúng vái để “tự nhiên”, khách có thể ăn mặc lòe loẹt, trai gái đùa giỡn, cúng rượu thịt… Vị trí miễu Bà núi Sam hội đủ : Sông rộng, đồi núi trập trùng, vùng biên giới…Người hành hương cảm thấy được thỏa mãn về tâm thần, hòa mình vào”sơn hà xã tắc”, “khí thiêng sông núi”…
Theo Nguyễn Đức Toàn, thì :
Theo bước đường Nam tiến của dân tộc Việt, chúa Liễu đã từ Phủ Giầy (Nam Định), Đền Sòng (Thanh Hóa) đi về phương Nam, tạm dừng ở điện Hòn Chén (Huế) và gặp bà Pô Nưgar tại Nha Trang, gặp bà Đen (Linh Sơn Thánh Mẫu) ở Tây Ninh và bà Chúa Xứ ở núi Sam, Châu Đốc… Tất cả các bà đều là một Mẹ duy nhất trong tâm thức của tín ngưỡng và tập tục thờ mẫu của người Việt…
Sách Kiến thức phục vụ thuyết minh du lịch giải thích thêm :
Do ảnh hưởng Phật Giáo, Lão Giáo cùng với các tín ngưỡng đồng bóng của dân gian mà các vị thần được thờ chủ yếu là nữ, như: Thánh mẫu Liễu Hạnh, Thượng Ngàn, Bà Chúa Tiên, Bà Chúa Ngọc, Bà Chúa Động, Bà Cố Hỷ, Bà Thủy, Bà Hỏa…Và Bà Chúa Xứ trở thành một dạng như “Phật Bà Quan Âm ” (đối với người Việt), “Bà Mã Hậu” hay “Thiên Hậu Nương Nương” (đối vớ người Hoa). Bà được tin tưởng đến độ có rất nhiều huyền thoại về “quyền lực linh thiêng” của Bà trong việc “ban phúc, giáng họa” cho con người. Như hai câu liễn đối treo ở miếu Bà như sau :
Cầu tất ứng, thí tất linh, mộng trung chỉ thi
Xiêm khả kính, Thanh khả mộ, ý ngoại nan lường.
Tạm dịch:
Xin thì được, ban thì linh, báo trong giấc mông
(Người) Xiêm sợ hãi, (Người) Hoa kính mộ, ý tứ khôn lường.
Ngày 10/7/2000, Bộ Văn Hóa đã ký quyết định số 92/VH-QĐ công nhận Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam thuộc khu di tích Núi Sam là cấp Quốc gia.
Từ năm 2001, lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam được Bộ Văn hóa Thông tin và Tổng cục Du lịch Việt Nam công nhận là Lễ hội cấp Quốc gia. Ngoài phần Lễ được tổ chức trang trọng theo lối cổ.
Lê Hoàng Nguyễn post (tổng hợp)
Thất Sơn là vùng núi linh thiêng và cũng đầy những chuyện huyền bí.
Ngày trước trên núi có con Bạch Hổ đã thuần tánh khi bị ông Đạo Điện trên Cấm Sơn thu phục mà tu hành sám hối tội lỗi nó đã gây ra trên núi cấm này Nhưng trước đó nữa từ đời Bạch Hổ cha đến đời của nó, không biết bao nhiêu người đã chết oan uổng bởi móng vuốt của loài thú hoang dã này. Những oan hồn uổng tử này khi chết, theo thuyết nhà Phật, thì không được siêu thoát, nên cứ vất vưởng trên chốn trần gian mà người đời thường gọi là lũ ma xó, ma trành. Bọn ma này gặp gì quấy phá được đều không từ, do vì chúng bị uẩn ức khi chết bất đắc kỳ tử mà hồn không siêu thoát được.
Bạch Hổ con (sau này tạm gọi là Tiểu bạch Hổ) đã sống hơn mười mấy năm, già nua, bạc nhược. Nếu lũ ma trành mà mượn xác nó để hành động đẫm máu thì vô tình công tu hành của nó như dã tràng xe cát. Biết tình thế âm đang thịnh dương đang suy, nạn âm binh sẽ bùng phát, ông Đạo Điện rất đau đầu tính kế trừ ma diệt quỷ.
Một hôm ông đang ngồi tham thiền trong điện, một số người lạ mặt xuất hiện trước hang động, người nào người đó mặt hầm hầm, vai mang cung tên tay cầm chà gạt (rựa lưỡi dài) bén ngọt ánh thép sáng lấp lánh.
– Các ông đi tìm ai ?
Một người trọ trẹ tiếng Việt, hẳn đó là người gốc bên Cao Miên mới sang, hắn hằn giọng nói to :
– Dớ, tụi này đi chém chết con cọp, nó giết chết bà con tui… nó đâu rồi ?
Ông Đạo Điện từ tốn nói :
– Thôi các ông về đi, tôi sẽ trừng trị nó. Đừng làm náo động nơi chốn tu hành !
Nhưng bọn họ đâu dễ dàng nghe theo lời ông, họ sừng sộ lại ngay :
– Ông là chủ của nó thì ông phải chịu trách nhiệm. Nếu không giao được xác con cọp ra đây thì tụi tui sẽ giết ông để trả thù cho bà con tụi tui đã chết dưới móng vuốt của nó.
Ông Đạo Điện không nói thêm, đứng nhìn bọn họ với sự bình tĩnh của một nhà tu. Thì ngay sau đó trong hang điện Tiểu Bạch Hổ vụt xuất hiện trước mắt mọi người. Ông Đạo biết chuyện chẳng lành sắp xảy đến.
Đúng như vậy, bọn người Miên vừa thấy con Tiểu Bạch Hổ, chúng ào tới kẻ chém người buông tên độc vào mình Tiểu Bạch Hổ, con thú bị áp đảo nên không còn đường nào khác là tự vệ, nó bỗng trở thành con thú hung dữ của chốn rừng xanh, giơ cao móng vuốt vồ tới tấp đám người lạ mặt, có kẻ thác ngay bởi những cú tát của Tiểu Bạch Hổ vào đầu mạnh hơn búa bổ nên vỡ óc mà chết, kẻ thì gãy tay kẻ bị cào sướt từng mảng da, thịt đỏ hói những máu.
Thấy Tiểu Bạch Hổ con say máu, ông Đạo vội vã hét lên :
Con cọp vừa nghe xong liền dừng ngay hành động trả đũa và đi tới bên ông, nó cũng bị thương rất nặng, con thú yếu hẳn đi, lê từng bước chân nặng nề run rẩy. Còn bọn người Miên, kẻ còn lành lặn nào chịu buông tha cho nó, bọn chúng tiếp tục nã tên độc vào con vật đáng thương. Bạch Hổ con vừa đến dưới chân chủ thì cũng vừa thở hơi cuối cùng. Mắt cọp vẫn mở trừng trừng vào bọn người khát máu không kém gì nó.
Ông Đạo Điện quá bất ngờ với sự việc xảy ra, người và vật đều có kẻ chết, ông lẩm bẩm :
– Bọn cô hồn uổng tử đã xúi giục cả hai bên đi vào biển máu, khiến con vật hoàn lương trở về với tội ác mà lâu ngày nó đã từ bỏ. Ôi nạn tai, nạn tai !
Khi bọn người Miên thấy Tiểu Bạch Hổ đã chết, chúng mới chịu bỏ đi vác xác đồng bọn đã chết ra về. Còn lại ông Đạo Điện và xác Tiểu Bạch Hổ, ông đưa tay vuốt mắt nó cho khép lại và lấy ra chiếc hộp quẹt mà bật lửa đốt trụi cả hàng ria của cọp. Dù ông rất thương con Tiểu Bạch Hổ, nhưng quy luật rừng xanh buộc ông phải đốt hết hai hàng ria của nó như thế, vì nếu những sợi ria của cọp lọt vào tay bọn xấu thì nguy hại vô cùng, họ sẽ nuôi những sợi ria đó thành những con sâu đi hại người. Con sâu này khi bò đi, người vô tình đụng phải sẽ tức khắc bị trúng độc mà chết.
Ông biết, dù Tiểu Bạch Hổ đã chết nhưng bọn ma quỷ kia đâu đã dễ dàng buông tha cho nó, có thể bọn ma còn mượn hồn nó để nhập vào những con thú khác mà tiếp tục quấy nhiễu mọi người. Nhưng nay ông già yếu, và không muốn vướng vào bùa ngải nữa, bởi ông biết dùng những thứ bùa ngải đó là một sự phạm giới, dù không dùng để sát sanh nhưng đó là sự tham sân si trong lòng con người, như vậy là chưa diệt được tính vị kỷ và lòng tham, như trên núi này còn nhiều đạo sĩ tu luyện bùa ngải với mục đích bán buôn để có tiền hưởng thụ, họ đâu nghĩ đến hậu quả !
Cho nên ông Đạo Điện chỉ muốn yên tĩnh tu hành, vì dùng bùa ngải cũng tựu trung vào mấy chữ Tham, Sân, Si, người tu hành như ông mà dùng là chưa đi đúng đường tu của Phật .
Nhưng thời gian này lũ ma trành đang hưng thịnh, nếu ông không ra tay trừ khử thì rất tai hại. Vì lẽ đó ông Đạo Điện đã tìm một đệ tử mà truyền cho cách trấn ếm các hồn ma. Môn trấn ếm các hồn ma phải là người có đức hạnh tốt mới dám truyền dạy phó thác, còn dùng sai mục đích cứu nhân độ thế thì người sử dụng sẽ chuốc thảm họa mà thôi.
Sau thời gian dạy môn đồ cách dùng bùa ngải trấn ếm bọn ma trành, một hôm ông thắp nhang quỳ trước bàn thờ tổ mà lâm râm khấn :
– Hỡi hồn các người chết oan và Bạch Hổ hãy về sơn động này, tôi sẽ cúng quẩy cho ăn. Tôi không chủ trương hủy diệt hồn các người để bảo vệ cho hồn gia đình Bạch Hổ đâu. Các oan hồn hãy về đây, tôi sẽ sớm siêu thoát cho các người không còn vất vưởng nơi trần gian nữa.
Đó là cách ông Đạo Điện dụ các hồn ma về hết trong hang cho đệ tử của ông ra tay trừ ếm chúng.
Qua ba ngày ba đêm ông khấn vái, ông Đạo đến bên người đệ tử tâm đắc, với gương mặt nghiêm trọng, ông nói :
– Ba ngày qua thầy đã luyện phép triệu hồn lũ ma và cả gia đình Bạch Hổ. Lẽ ra thầy cho con ra tay trừ các hồn ma như thầy đã truyền dạy. Nhưng sau ba ngày vừa tu luyện vừa tĩnh tâm, thầy suy nghĩ là nên dùng lý lẽ thu phục các oan hồn uổng tử ấy để lấy âm đức về sau, và khi họ phục tùng thì mình sẽ sử dụng họ vào việc có ích lợi hơn, đó cũng là cơ hội để họ tu tâm dưỡng tánh để có ngày còn được đầu thai kiếp khác. Vậy con sử dụng các hồn ma này đừng làm những điều tà mị, bất chánh mà phải gánh chịu hậu quả tai hại.
– Sau này con gắng mà lo cơm canh, nhang đèn mỗi bữa trước bàn thờ các hồn ma uổng tử này và cả gia đình Bạch Hổ, con phải hứa hẹn hết lòng chăm sóc các vong linh này cho đến ngày cuối đời của con, nếu có người tiếp nối thì con truyền lại còn bằng không, con nên giải thoát cho họ vào chốn thiền môn.
Nói xong ông Đạo Điện dẫn người đệ tử vào nơi mà ông thu phục các hồn ma uổng tử và Bạch Hổ. Bàn vong đèn đuốc sáng choang, trầm quế tỏa mùi hương thơm ngát.
Trên đó chiếc đầu lâu của Tiểu Bạch Hổ được đặt trong chiếc mâm đồng có trái cây đặt quanh, bên dưới lót vải đỏ, mặt đối diện là cặp nanh hổ dài cong rất ấn tượng. Bên mâm đồng là các bài vị của các hồn ma, tùy mỗi hồn mà ông Đạo Điện đã triệu về đây, ông đặt cho một pháp danh.
Dẫn người đệ tử đến trước bàn vong, ông chỉ tay vào và truyền miệng :
– Tối nay con trải chiếu nằm ngủ tại đây. Chờ đêm xuống sẽ có nhiều chuyện lạ xảy ra quanh con. Nhưng con chẳng nên có biểu hiện gì về sự sợ hãi hay mừng vui vì những hiện tượng đó. Sáng thức dậy sớm, con gói hết những gì có trên bàn vong đây đem về am của con mà lập trang thờ. Nếu con theo đúng lời thầy dạy, gia đình Bạch Hổ và các phần vong linh sẽ giúp con toại ý, người đời gọi đó là nuôi nham, con muốn biết quá khứ vị lai của ai đó con nhờ chúng đi tìm hiểu dò la, nhưng con cũng đừng quá lạm dụng việc này mà hưởng lợi. Nuôi nham như chơi dao hai lưỡi vậy đó. Vì chúng có thể giúp con mà cũng có thể phản bội con, nếu quá lạm dụng sức tàn của chúng.
– … thôi, bây giờ thầy trò ta chia tay, ai ở đâu về đó, nếu có bất trắc gì thì mới tìm đến thầy mà thôi.
Đúng như lời ông Đạo Điện nói, tối hôm đó người đệ tử của ông đang ngủ bỗng thấy một bầy cọp trắng, cọp vàng xuất hiện, đuôi chúng ngoe nguẩy đi quanh chỗ nằm của y, rồi sau đó năm bảy người từ ngoài đi vào, nắm tay nhảy nhót trước bàn thờ vong, những người này nhìn đệ tử của ông Đạo ra điều hoan hỉ phục tùng, và đùa giỡn với gia đình Bạch Hổ.
Người đệ tử của ông Đạo Điện nhớ lời thầy dạy, chỉ ngồi nhìn chúng vui đùa bên nhau, nét mặt nghiêm trang và miệng lâm râm tụng niệm. Đến sáng, người đệ tử tỉnh giấc vội vã thu dọn bàn thờ, đem chiếc đầu lâu Bạch Hổ, nanh cọp cùng mấy tấm bài vị trở về am của mình lập trang thờ.
Như đức tính của ông Đạo Điện, người đệ tử về sau này cũng chuyên cứu nhân độ thế, giúp đỡ mọi người khi họ hoạn nạn. Bùa ngải, nham độn chỉ là cứu cánh khi nhất thiết phải dùng, còn bằng không người đệ tử chỉ nhờ các vong linh hay Bạch Hổ ra tay trừ khử lũ âm binh quỷ dữ quậy phá.
Dân chúng vùng Thất Sơn cho là con Tiểu Bạch Hổ đã đắc đạo thành thần, nên luôn luôn tôn kính và đặt tên nơi hang động trước đây Tiểu Bạch Hổ sống là Điện Ông Hổ.
Vùng Năm Non Bảy Núi từ đó yên tĩnh hẳn, là nơi tu đạo của các bậc tu sĩ, đạo sĩ chân chánh. Không ai còn nghe nói đến những chuyện hồn ma bóng quế hay thú dữ xuất hiện nữa. Nhưng những chuyện về sự linh thiêng của Thần Bạch Hổ thì dân địa phương và người hành hương đều không quên cho đến tận ngày nay.
Mọi người cho rằng, đến điện Ông Hổ mà cầu xin thật lòng thì được toại lòng như ý, còn đến chiêm bái cầu xin theo hiếu kỳ thì chẳng bao giờ được. Vì vậy ở điện Ông Hổ lúc nào nhang khói cũng nghi ngút, đông người vào ra.
TAMTHUC