Nhớ lại chuyến xuống Hà Nam tìm mộ, ông Cấn Văn Hùng (Phụng Thượng, Phúc Thọ, Hà Nội) không giấu được vẻ mặt sợ hãi, thất thần.
Hôm đó, là ngày 10-3 âm lịch, đại gia đình ông gồm 15 người, đã thuê một chuyến xe xuống Hà Nam. Theo sự hướng dẫn của những người đi trước, thì gia đình đi càng đông càng dễ gọi “vong” để tìm mộ. “Vong” sẽ tìm được người hợp với mình để nhập vào phán nơi người chết nằm xuống.
Cảnh tượng chờ đợi “vong nhập” ở nhà “cậu Hồng”
Trước khi lên xe, ông Hùng thay mặt gia đình thắp hương, khấn vái tổ tiên, trình báo sự việc đi tìm mộ, tha thiết mong mỏi tổ tiên ủng hộ, giúp đỡ để chuyến tìm mộ thành công.
Theo địa chỉ ghi trên mẩu giấy, lái xe dễ dàng đưa gia đình ông Hùng đến nhà “cậu Hồng”. Dọc đường đi, chỉ cần dừng xe, chưa kịp hỏi, giới xe ôm đã bảo: “Tìm nhà cậu Hồng hở?”. Thấy “cậu Hồng” nổi tiếng quá, ai cũng biết, ông Hùng cũng thấy vững dạ.
Khung cảnh tại nhà “cậu Hồng” khiến ông Hùng choáng ngợp. Ô tô, xe máy đỗ đầy đường, kéo dài vài trăm mét. Trong nhà “cậu Hồng”, chiếu trải la liệt từ sân, vườn ra tận ngõ. Mấy trăm con người ngồi quây quần thành những vòng tròn. Người khóc hu hu, người cười khanh khách, người lắc la lắc lư như say rượu, người chửi bới tục tĩu, đàn bà gì mà thuốc lá phì phèo, thuốc lào rít long sòng sọc. Người ta giải thích, đó là “vong” nhập vào phụ nữ, nên mới có chuyện đàn bà hút thuốc lào như vậy.
Mỗi ngày có vài trăm người đến nhà “cậu Hồng” với khát vọng tìm được mộ liệt sĩ.
Lần đầu tiên được chứng kiến cảnh đó, đại gia đình nhà ông Hùng đều hết sức ngỡ ngàng, thành tâm tuyệt đối tin tưởng vào chuyện áp vong, gọi hồn. Ông Hùng đặt mâm lễ lên bàn thờ, phong bì dày dặn, khấn vái thành tâm, rồi ngồi quây tròn vào một manh chiếu.
Đàn ông chắp tay lầm rầm khấn vái mời “vong” về, đàn bà ngồi như tọa thiền, tập trung tư tưởng để đón “vong”. “Cậu Hồng” cứ đi lòng vòng quanh những nhóm người, thi thoảng lại bóp đầu phụ nữ, xoa trán, tay truyền năng lượng, mồm gọi “vong”. Hứng chí “cậu” lại chửi bậy vài câu. Không chỉ chửi bậy những người ngồi đợi “vong”, mà “cậu” chửi cả “vong”. Ai cũng nghĩ, “cậu” là thánh, là người giời, là bề trên, nên có quyền chửi cả người trần mắt thịt lẫn vong hồn.
Chị Cấn Thị Lâm đã ra đi mãi mãi vì niềm tin mù quáng của gia đình
Gia đình ông Hùng ngồi tập trung tư tưởng một lúc thì chị Cấn Thị Nhung, con gái ông Cấn Văn Dũng, là em cận kề liệt sĩ Cấn Văn Lương, lắc la lắc lư. “Cậu Hồng” liền chạy đến xoa đầu và bảo: “*, vong đã nhập rồi, chúng mày gọi liệt sĩ đi!”.
Mọi người tin rằng, vong linh liệt sĩ Lương đã về, nên thi nhau chào hỏi. Mấy bà, mấy chị cứ khóc tu tu gọi liệt sĩ. Thế nhưng, thay vì “liệt sĩ” hỏi han sức khỏe mọi người, mừng mừng tủi tủi vì mấy chục năm trời mới gặp người thân, thì “liệt sĩ” lại chỉ ậm à ậm ừ, lúc khóc, lúc cười, chẳng chịu hé răng nói lời nào.
Tra hỏi suốt một tiếng không ăn thua, đệ tử của “cậu Hồng” đến tát nhẹ mấy cái vào má chị Nhung, thế là “vong” thăng đi mất. Lúc đó cũng đã là chiều tối, hết giờ làm việc, nên đệ tử “cậu Hồng” đề nghị mọi người tìm xuống vào hôm khác.
Cháu bé này vẫn không hiểu vì sao mình mất mẹ
Hứng khởi với kết quả bước đầu tốt đẹp, sớm hôm sau, đoàn tìm mộ tiếp tục tìm xuống Hà Nam. Lần này, chị Nhung vừa ngồi xuống chiếu, “vong” đã nhập ngay. Qua cách xưng hô, mọi người tin rằng, đó chính là “vong” liệt sĩ. Tuy nhiên, khi hỏi đến mộ, thì “vong” chả nói được gì. Cả ngày hôm đó, chị Nhung chỉ lắc lư, rũ rượi, nói năng như kiểu mê sảng. Cuối cùng “vong thăng”, mọi người lại ra về.
Nhưng điều kỳ quái là, khi đại gia đình lên xe ra về, “vong” lại nhập vào chị Nhung. Chị Nhung cứ lắc lư, xõa xượi trên xe trong suốt hành trình 100km từ Hà Nam về Phụng Thượng (Phúc Thọ, Hà Nội).
Ai cũng khát khao được “âm dương gặp mặt”.
Nghĩ liệt sĩ Lương muốn về thăm nhà, người thân, gia đình đã làm cỗ trịnh trọng để cúng liệt sĩ. Họ hàng, làng xóm kéo đến rất đông để… chào hỏi liệt sĩ. Sau 40 năm, giờ đây, liệt sĩ mượn xác chị Nhung để về thăm gia đình, làng xóm. Khung cảnh khi đó thật cảm động.
Thế nhưng, chả hiểu “vong” nhập vào người chị Nhung có phải bác Lương hay không, mà “bác” chẳng nhận ra mọi người, cũng chẳng biết trò chuyện với ai. Đến tối thì chị Nhung xõa xượi tóc tai, kêu đau đầu thảm thiết. Không hỏi han được “bác Lương” điều gì, mọi người van lạy “bác Lương” thăng thiên, ra khỏi người chị Nhung. Thế nhưng, “bác” chẳng nghe, cứ hành hạ chị Nhung, trông chị chả khác gì kẻ điên dại. Đến nửa đêm, chị Nhung mệt quá, nằm vật ra, thiếp đi lúc nào không biết.
Sớm hôm sau, theo lời “cậu Hồng”, đại gia đình ông Hùng tiếp tục thuê xe xuống Hà Nam. Lần này, mọi người đề nghị không cho “vong” nhập vào chị Nhung nữa.
“Vong” không nhập vào chị Nhung, liền “túm” ngay lấy chị Cấn Thị Lâm, con gái ông Hùng. Miệng chị Lâm xưng bác với mọi người, nhưng mọi người hỏi gì, “bác” cũng chả biết. Trong khi “bác” đang hành chị Lâm điên điên dở dở, thì một “vong” lạ “chiếm xác” chị Cấn Thị Thủy, con gái ông Dũng. Chẳng biết có phải do vong nhập không, mà hai người phụ nữ này cứ như bị mê sảng, nói những điều vu vơ, khó hiểu, đầu tóc xõa xượi chả khác gì lên cơn động kinh, tâm thần.
Chẳng khai thác được gì, gia đình yêu cầu “cậu Hồng” đuổi vong ra khỏi người chị Lâm và chị Thủy. Thế nhưng, “vong” này cứng đầu quá, chẳng chịu ra. “Cậu Hồng” hết nịnh nọt lại dọa nạt, mắng chửi, song chả ăn thua, “vong” cứ cố thủ mượn xác hai chị.
Đúng lúc đó, thì lại có một “con ma” chiếm xác chị Nhung. Cả 3 chị em Nhung, Lâm, Thủy nhảy dựng lên lúc chửi bới, lúc khóc lóc, lúc nói cười, làm náo loạn cả “trung tâm tìm mộ”, khiến cả trăm người hồn xiêu phách tán.
Ngày càng có nhiều hiện tượng “ma hành”, “thánh vật”!
Đến “người giời” là “cậu Hồng” cũng chẳng mời được “vong” đi, gia đình đành khiêng cả 3 chị em lên xe chạy về Phụng Thượng. Trên ô tô, 3 chị tiếp tục lăn lộn, cào xé, chửi bới mọi người.
Xe ô tô vừa về đến nhà, mọi người nhảy vào dùng roi dâu vụt tới tấp, rồi nước tỏi, nước tiểu dội ào ào và 3 chị. Thế nhưng, những thứ của người trần chẳng đuổi được “ma”. Những “con ma” trong người 3 chị càng hung hãn hơn, tấn công, chửi bới, đánh đấm ráo cả mọi người, khiến ai cũng khiếp đảm.
Trong lúc mọi người xông vào hỗ trợ, giữ chặt tay chân 3 chị Nhung, Lâm, Thủy, thì một phụ nữ làm dâu trong họ cũng bị “ma chiếm xác”, nói năng lảm nhảm, lên cơn điên loạn. Đến nước này, cả xóm chạy về hết, cửa đóng then cài vì… sợ ma.
“Thánh vật” đến hết đêm đó, kéo sang tận ngày hôm sau khiến 4 người đàn bà điên loạn. Hôm sau, ông Hùng đưa 3 chị em vào chùa trong làng để tụng kinh. Nhưng tiếng mõ chẳng những không đuổi được tà ma, mà “ma” còn nhập luôn vào ông Hùng, khiến ông lên cơn điên loạn, cứ nhằm tường, cột lao đầu vào
Đại gia đình ông Hùng sợ quá, lại thuê xe xuống nhà “cậu Hồng” cầu cứu. Một cảnh tượng kinh hoàng đã diễn ra trên chiếc ô tô. Cả 3 chị Lâm, Nhung, Thủy đều bị “ma vật”, rồi ông Hùng, ông Phi, ông Dũng cũng nổi điên. Họ lăn lộn trên xe, đập đầu vào kính, bóp cổ bác tài.
Xe vừa đến nhà “cậu Hồng”, thì đám người điên loạn chạy tứ tung khắp ngả, chửi bới ráo cả. Riêng chị Lâm bị “ma hành” nặng quá thì lăn đùng ra đất, mép sùi bọt, lên cơn co giật. Công an xã cùng đám người nhà cậu Hồng đưa chị Lâm khẩn cấp đi bệnh viện ở Phủ Lý, nhưng chưa đến bệnh viện thì chị tắt thở. Ông Hùng được đưa đi Bệnh viện Tâm thần Trung ương ở Thường Tín, những người còn lại được đưa đến Bệnh viện Bạch Mai để cấp cứu.
Trong khi đưa ma chị Cấn Thị Lâm, thì bố chị, ông Hùng, các chú, bác, các chị, em đang nằm viện điều trị chứng hoang tưởng, tâm thần. Làng xóm chẳng ai dám đến đưa ma. Họ nghĩ, đại gia đình ông đang bị “thánh vật”, nên chả dại gì mò đến, nhỡ “thánh” nổi khùng, lại đoạt hồn mượn xác hành cho thì khổ.
Giờ đây, dù câu chuyện “thánh vật” cả đại gia đình ông Cấn Văn Hùng đã trôi qua hơn tháng, song nỗi đau và sự hoảng loạn của gia đình, dòng họ vẫn còn nguyên vẹn. Ông Hùng bảo: “Tôi sợ chuyện áp vong tìm mộ lắm rồi. Vì sự mê muội này, mà tôi đã hại con, hại cả đại gia đình. Tôi nghĩ chả có vong hồn người bác nào lại nỡ giết hại cháu ruột, hại cả anh em, họ hàng như thế. Tôi mong các nhà khoa học vào cuộc, giải thích rõ để những người khác không mê muội để rồi lâm vào hoàn cảnh bi đát như gia đình tôi”.
TAMTHUC