Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương
huyen-bi-nhung-co-quan-tai-biet-di Huyền bí những cỗ quan tài biết đi
Wednesday, 14/11/2012 09:00 am

Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương

Hầm mộ dòng họ Chase nằm trên hòn đảo Barbados ngoài khơi Caribbean cách đây hơn 200 năm đã xảy ra một hiện tượng phi thường, huyền bí – Đó là các cỗ quan tài trong hầm mộ tự động dịch chuyển.

Những cỗ quan tài “tự đi” trêu ngươi người sống
Thi hài đầu tiên được đặt trong hầm mộ là của quý bà Thomasina Clarke trong mộ cỗ quan tài bằng gỗ, vào tháng 7.1807. Một năm sau, cô bé 2 tuổi Mary Ann Chase được an táng tại đây trong một cỗ quan tài bằng chì. 4 năm sau, 1812, người chị gái Dorcas Chase của Mary Ann qua đời một cách khá bí hiểm.

Người ta đồn rằng Dorcas đã chết bởi bàn tay bạo ngược của người cha, cô tuyên bố tuyệt thực không ăn uống chút gì và chết. Quan tài của Dorcas Chase cũng được làm bằng chì và cho an táng tại hầm mộ của gia tộc.
Chỉ 4 tuần sau đó, người nhà Chase mở cửa khu hầm mộ để đưa hài cốt của ông bố Thomas Chase vừa chết vào. Nhưng kỳ lạ là những phiến đá cẩm thạch xanh bảo vệ lối vào của khu hầm mộ đã bị ai đó gỡ bỏ, các cỗ quan tài không còn nằm ở vị trí cũ.

Cỗ quan tài của Mary Anna Chase bị dựng đầu xuống đất, đặt ở một góc hầm mộ. Hết thảy những người đưa tang đều tím mặt giận dữ. Họ cho rằng chính những kẻ mạo phạm đến hầm mộ chính là người bản xứ căm tức bởi sự giàu có của gia tộc Chase. Những cỗ quan tài được đặt lại vị trí ban đầu của chúng, và hầm mộ được niêm phong cẩn thận.
4 năm sau, 1816, khu hầm mộ lại được mở cửa một lần nữa để đón nhận chiếc quan tài bằng chì mà người quá cố là đứa bé 11 tuổi tên là Charles Brewster Ames.

Khi phiến đá cẩm thạch dùng để niêm phong hầm mộ được dịch sang một bên, một cảnh tượng kinh hoàng khiến hết thảy những hậu duệ Chase đưa ma phải dựng tóc gáy: Tất cả các cỗ quan tài nằm tứ tung trong khu hầm mộ. Đám hậu bối từ đau buồn giận dữ chuyển sang hết sức hoang mang: chuyện quái quỷ gì đang xảy ra trong khu hầm mộ gia tộc họ?
Kẻ nào đã ung dung bước vào trong khu hầm mộ mà không bị phát hiện? Chỉ có duy nhất một lối vào và phiến đá cẩm thạch khổng lồ luôn án ngữ cửa ra vào của khu hầm mộ, được dính chặt xuống nền bằng lớp xi măng chắc chắn, và chẳng hề có một vết nứt nào, dù là nhỏ nhất.
Thêm nữa, các vách tường và trần hầm mộ được xây dựng bằng các khối san hô dính chặt với nhau, riêng nơi đặt các cỗ quan tài chính là từ một khối đá duy nhất được đẽo ra mà thành. Còn sàn của hầm mộ là một khối đá vôi rất rắn chắc do đó không dễ dàng gì để đào thành một con đường hầm đi xuyên qua, mà nếu có kẻ nào đó cố tình đào hầm thì hắn không thể hoàn thành mà không để lại ít nhiều dấu vết về con đường hầm đó. Cuối cùng, mỗi chiếc quan tài bằng chì có trọng lượng khá nặng và cần ít nhất 8 người đàn ông mới đủ sức nhấc nó đi đâu đó.

Cho dù dùng bất cứ mánh khoé nào khi vào hầm mộ thì kẻ đột nhập cũng phải để lại chút ít manh mối. Đằng này, không hề có. Từ đó, chuyện “những chiếc quan tài tự đi” đã trở thành đề tài tranh luận của các cư dân trên hòn đảo Barbados. Phần lớn người bản địa tin rằng, những hồn ma của người quá cố đã tự làm chuyển dịch quan tài có chứa hài cốt của họ. Nhưng người da trắng không chấp nhận ý tưởng này, họ nghi những người bản xứ làm.

Các nỗ lực giải mã bất thành

Chỉ 52 ngày sau khi chôn cất đứa bé Charles Brewster Ames, người trong dòng tộc quyết định di dời xác của ông Samuel Brewster, cha của Charles, từ nơi an nghỉ tạm thời đến khu hầm mộ Chase. Phiến đá cẩm thạch nặng nề được dịch sang một bên, và sự việc huyền bí, kinh hoàng lại một lần nữa xảy ra. Bốn chiếc quan tài nằm rải rác khắp nơi. Vị linh mục tại nhà thờ Christ gần đó, Thomas Orderson, cùng với 3 người đàn ông khác quyết định tiến hành một cuộc điều tra về việc này.

Xét về lý thuyết, sự việc những cỗ quan tài “biết đi” có thể là do lũ lụt gây ra, 4 người đã tiến hành kiểm tra kỹ các dấu vết hơi ẩm trên các bức tường và trần hầm mộ, các vết nứt trên sàn nhà, song chẳng phát hiện ra bất kỳ điều gì khả nghi. Những cỗ quan tài được đặt trở lại vị trí ban đầu, và một lần nữa cửa vào khu hầm mộ được niêm phong cẩn thận.
Trong suốt 3 năm sau đó, hầm mộ không mở cửa trở lại, những lời bàn tán vẫn sôi nổi tới mức vị thống đốc của hòn đảo khi đó thuộc vương quốc Anh này là Combermere quyết định mở cuộc điều tra thực hư về chuyện “hồn ma bóng quế” giỡn mặt người sống.

Phía bên trong hầm mộ gia tộc Chase.

Lần này, việc mở phiến đá nặng nề hơn cứ như có bàn tay vô hình nào níu giữ phiến đá. Mãi rồi, sau khi tăng viện thêm người, phiến đá cũng được đẩy sang một bên, nhưng sau lưng nó là cỗ quan tài của ngài Thomas Chase đã chặn lối ra vào. Bên trong, những cỗ quan tài chì nằm lộn xộn không theo một thứ tự nào cả. Chỉ có cỗ quan tài bằng gỗ mỏng manh của phu nhân Clarke là vẫn nằm nguyên vị trí cũ. Các cuộc tìm kiếm dấu vết một lần nữa không có kết quả.

Thống đốc Combermere khá bối rối nhưng không hề nao núng. Đầu tiên ông ra lệnh khiêng đặt các cỗ quan tài tại vị trí ban đầu. Tiếp đó, ông cho lấy một lớp cát biển trắng mịn, rắc cát hơi dày lên trên sàn của hầm mộ. Chắc chắn lớp cát này sẽ tiết lộ dấu chân của ai đó lọt vào bên trong. Phiến đá cẩm thạch được trám chắc bằng xi măng tươi, được tạo thêm một số dấu hiệu đặc biệt trên mặt xi măng ướt nữa.
Một năm sau, vào ngày 18/4/1820, ông Combermere quyết định mở cửa lối vào khu hầm mộ Chase một lần nữa để kiểm tra tình hình. Con dấu do
Thống đốc Combermere in lên phiến đá cẩm thạch vẫn còn sắc nét như ngày đầu nó được hoàn thành.

Cái niêm xi măng được đục bỏ, phiến đá cẩm thạch được đẩy sang một bên: Trời ơi, bên trong hầm mộ lại là cảnh tượng hỗn loạn. Kỳ quặc nhất: không có dấu vết nào trên cát, ngoại trừ các vệt xuất phát từ các góc của quan tài để lại trong quá trình dịch chuyển trên sàn nhà!
Quyết chí điều tra đến cùng, Combermere ra lệnh không khép kín cửa khu hầm mộ như mọi khi. Các cỗ quan tài sau đó được tách rời và đem đi chôn cất, không đề bia mộ rải rác khắp khuôn viên sân của nhà thờ. Hầm mộ để ngỏ và không sử dụng sau đó.

Người bản xứ không sao lý giải được vì sao các cỗ quan tài di chuyển mà không có sự tác động của bàn tay con người, cũng như cửa hầm mộ tự mở mà không tìm thấy dấu hiệu của sự dịch chuyển. Về phía các lực lượng tự nhiên, lũ lụt có thể được loại trừ vì không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào về sự ngập lụt của nước làm di chuyển các cỗ quan tài.
Chì không thể nổi, nhưng gỗ có thể, quan tài chì thì chuyển động, quan tài gỗ duy nhất của bà Clarke lại đứng yên. Động đất cũng bị loại trừ vì nếu có thì người ta có thể cảm nhận ở những nơi khác trong khuôn viên nhà thờ, chứ không thể chỉ có riêng tại khu hầm mộ Chase.
Chỉ còn lại lực điện từ có lẽ là giả thuyết tin cậy nhất. Nhưng tại sao lực điện từ chỉ tác động mạnh nhất tại khu hầm mộ Chase mà không phải là nơi nào khác? Nếu những điều huyền bí xảy ra tại hầm mộ Chase không phải do sự tác động của con người lẫn các hiện tượng tự nhiên thì có hay không một lực lượng siêu nhiên nào đó đã xảy ra tại đây?

Cha đẻ của Sherlock holmes tham gia giải thích

Các nhà nghiên cứu tâm linh phỏng đoán rằng hầm mộ Chase chỉ trở nên “linh hoạt” sau khi an táng Dorcas Chase, một cái chết do tự tử. Sir Arthur Conan Doyle, cha đẻ của nhân vật thám tử Sherlock Holmes lập luận nếu một khi ai đó chết sớm bởi tự tử hoặc mưu sát thì linh hồn người đó sẽ kết hợp với hơi thở của các phu nhà mồ để hình thành một dạng năng lượng có sức mạnh đủ để dịch chuyển các đồ vật. Giải thích này mang tính hoang đường nhiều. Cho đến giờ, tấm màn bí ẩn vẫn chưa được vén lên.

Nguồn: VNN