Hôm tôi đến, ông vừa ra viện vì căn bệnh lao phổi hành hạ. Ông Thớ mới 60 tuổi, song hom hem, già nua như cụ già 80. Người con trai ông cũng đau dạ dày nặng. Ông, vợ ông và con trai, mỗi người sống một nhà.
Ông Thớ, vợ ông, con trai, mỗi người sống trong một ngôi nhà dù xây ngay cạnh nhau.
Theo lời ông Thớ, sau khi dân làng “chặt đầu rùa” thì hàng loạt người chết đuối, khiến không ai dám ra bờ sông Si nữa. Tình hình có yên ổn một thời gian. Đến khi mấy hộ gia đình, gồm ông Sỏ, ông Săn, ông Mải, anh Tèo… cùng khoét núi chỗ hình đuôi con rùa, thì tình hình chết chóc lại có vẻ nghiêm trọng hơn. Không hiểu do trùng khớp ngẫu nhiên, hay có điều gì đặc biệt, mà những cái chết xảy ra liên tục.
Ông trưởng làng Trần Văn Ngoang dẫn tôi đi xem phía “đuôi rùa” bị mấy hộ gia đình khoét rỗng. Dấu vết đào bới vẫn còn rõ rệt. Theo đó, những hộ gia đình này đã cho các doanh nghiệp ở tỉnh lộ 325 vào múc đất để san lấp mặt bằng. Các hộ gia đình vừa có tiền, lại mở rộng được vườn tược, nên chẳng có lý do gì để không làm.
Ông Ngoang chỉ nơi người dân khoét núi mở vườn, bán đất.
Nhiều gia đình, trong quá trình móc núi, đã trúng những ngôi mộ Hán, thu được vô số cổ vật, của quý. Ông Trần Văn Ngoang bảo: “Từ ngày mấy gia đình chặt đuôi rùa, chặt thân rắn, dân tình loạng xoạng, làm ăn chả ra sao, lại liên tục chết bất đắc kỳ tử, chết lạ lùng”.
Theo lời đồn của người dân, thì việc múc đất ở đuôi con rùa, chỗ con rắn quấn rùa, khiến thần rắn nổi giận, quẫy lên vật chết nhiều người trong làng. Vậy nên, cứ có cái chết nào, họ đều bảo do rắn quẫy, rùa vật.
Các cụ già trong làng đã thống kê, có đến 30 hộ gia đình trong tổng số 35 hộ trong xóm nhỏ quây quần quanh núi Dưỡng Chân gặp cảnh chết chóc, bệnh tật, điên dở, ly tán… Chỉ có 5 hộ là còn an toàn, chưa xảy ra chuyện gì.
Theo ông trưởng làng Trần Văn Ngoang, rất nhiều gia đình quanh quả núi Dưỡng Chân gặp chuyện chẳng lành.
Ông Dương Văn Thớ bảo: “Ở cái xóm này, chết 40 nhiều hơn chết 70. Thanh niên trong xóm toàn khỏe mạnh, nhưng chả hiểu sao cứ lăn đùng ra chết, chết đủ các chứng, toàn chết đột ngột. Ở xóm này, phụ nữ góa chồng nhiều lắm!”.
Ông Thớ ngồi trầm ngâm, bấm ngón tay một lát rồi bảo: “Tôi thống kê sơ sơ trong mấy tháng gần đây đã thấy có 6 người chết trẻ và chết lạ lùng. À, thằng H. vừa chết hôm kia, chôn hôm qua, vậy là 7 người”.
Theo lời ông Thớ, vừa mới 2 ngày trước khi tôi gặp ông, anh H., 39 tuổi, nhà ở ngay đuôi núi Rùa bỗng dưng lăn ra chết. Hôm trước, đi ngoài đường, gặp ông Thớ, anh còn chào ông to tướng. Thế mà hôm sau, đã thấy gia đình bắc rạp, rồi kèn đám ma vang lên ai oán.
Ông Thới mới 60 tuổi, song già yếu, hom hem như ông lão 80.
Cách cái chết của anh H. 10 ngày, là cái chết lạ lùng của ông Nguyễn Văn Kh., mới ngoài 50 tuổi.
Hôm đó, điện sáng trưng cả làng, nhưng riêng nhà ông Kh. thì mất điện, do dây nối từ cột vào nhà lỏng lẻo. Hai bố con đang ngồi uống rượu thì mất điện nên bực lắm, mang đèn pin ra cột điện chọc.
Cậu con trai đứng dưới soi, còn ông Kh. trèo lên cột điện. Nhưng vừa trèo lên cột điện, mới ở độ cao chừng nửa mét, chưa đến hông con trai, thì trượt chân ngã ngồi xuống đất. Cú ngã rất nhẹ, chẳng xây xước gì, nhưng ông lại lăn ra chết.
Cái chết kỳ lạ của ông Kh. khiến dân làng liên hệ đến “Thần Rùa” và “Thần Rắn”. Từ đó, không ai trong làng dám leo trèo nữa.
Vết mộ Hán lộ ra khỏi vách núi khi người dân khoét núi lấy đất bán.
Trước cái chết của ông Kh. không lâu, là cái chết lãng xẹt của ông K. Ông K. vốn khỏe mạnh, nhanh nhẹn, nhưng chẳng hiểu sao đi từ nhà ra sân, chỉ hẫng ở cái bậc thềm cao có 30cm, mà lăn ra chết.
Cái chết của ông K. cũng khiến dân làng kinh hãi. Người thì bảo ông K. bị “Thần Rùa” gọi đi, nhưng người lại bảo con trai ông gọi đi. Chả là, năm 2009, người con trai của ông, mới 26 tuổi, to cao khỏe mạnh, cũng tự dưng lăn ra chết vì cái chữ khô khốc: “Cảm”. Liệu có phải do cái chết của con trai vào năm trước, mà ông đau buồn, hụt hẫng, đến đi lại cũng không vững, và ngã chết ở cái bậc thềm cao có gang tay?
Những người chết đột ngột, chết không rõ nguyên nhân thì nhiều lắm, ông Thớ kể mãi không hết. Mới cách đây vài tháng, là cái kết kỳ lạ của ông M. Ông M. là người nhà của ông Thớ.
Hôm đó, ông M. đi làm đồng về, thì vào bếp đánh tiết canh. Vợ con ông đã cắt tiết ngan từ chiều, chờ ông về đánh tiết canh là ăn. Nhưng không hiểu sao, ông đang băm thịt, thì dao tuột khỏi tay, ông lăn đùng ra chết. Gia đình đưa ông xuống bệnh viện, nhưng ông đã ngừng thở lâu rồi. Không ai biết ông chết vì nguyên nhân gì, nên chỉ đổ cho bị cảm. Ông hưởng dương 60 tuổi.
Đường lên núi Dưỡng Chân hình quy ẩn xà.
Xa hơn chút nữa, vào năm ngoái, là cái chết lạ lùng của ông Th., 57 tuổi. Ông Th. vốn sức lực hơn người, chăm chỉ, chịu khó. Dáng dấp cao lớn, nên Nhà máy đóng tàu Nam Triệu tuyển làm bảo vệ.
Đợt ấy, gia đình không rõ vì sao ông lại xin nghỉ phép vài hôm, rồi về nhà nằm bẹp. Hỏi ông bị bệnh gì, ông lắc đầu bảo không có bệnh, nhưng trong người có cảm giác bất an. Chỉ mấy hôm sau thì ông mất, không rõ nguyên nhân là gì. Dân làng thì đồn ầm lên rằng, cái chết của ông có liên quan đến động long mạch núi Dưỡng Chân.
Xa thêm chút nữa, là cái chết cũng không kém phần lạ lùng của ông Phạm Văn V., nhà ngay dưới chân núi Rùa, cách nhà ông Thớ hơn trăm mét.
7 giờ tối hôm trước, ông Thớ còn gặp ông V. đi đơm tôm, tay xách cút rượu. Ông V. hẹn ông Thớ trưa hôm sau xuống nhà ông uống rượu. Thế mà, 7 giờ sáng hôm sau, cả nhà kêu khóc ầm ĩ. Ông Thớ chạy xuống xem có chuyện gì thì thấy ông V. nằm chết xõng xoài trên giường. Ông V. chết không để lại trăng trối, cũng không ai biết nguyên nhân thực sự là gì.
TAMTHUC