Khối u ở tuyến yên khiến một chàng trai thời La Mã có chiều cao tới hơn 2m, lớn hơn rất nhiều so với chiều cao trung bình của người dân thời đó.
Vào năm 1991, các nhà khảo cổ Italy tìm thấy một bộ xương bất thường từ thời La Mã trong nghĩa địa của Fidenae, một thành phố cổ cách thủ đô Rome khoảng 8km về phía bắc. Hồi ấy các nhà khảo cổ nhận thấy ngôi mộ chứa bộ xương có chiều dài lớn hơn nhiều so với những ngôi mộ khác, nhưng họ không để tâm tới chi tiết ấy.
Một đoạn xương chày của bộ xương khổng lồ (trên) tại thành phố cổ Fidenae, Italy
và đoạn xương chày của một người đàn ông thời La Mã. (Ảnh: National Geographic)
Mới đây Simona Minozzi, một nhà nghiên cứu về bệnh tật thời cổ đại của Đại học Pisa tại Italy, cùng các đồng nghiệp đã tìm hiểu bộ xương và nhận thấy nó thuộc về một người có chiều cao lên tới 202cm, lớn hơn rất nhiều so với chiều cao trung bình 167cm của người dân thời La Mã. Nhờ kiểm tra hộp sọ của bộ xương, họ phát hiện bằng chứng về sự tồn tại của một khối u ở tuyến yên – nguyên nhân khiến tuyến yên sản xuất quá nhiều hoóc môn tăng trưởng, National Geographic đưa tin.
Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng các đoạn xương vẫn tiếp tục phát triển mạnh ở giai đoạn trưởng thành. Nó thuộc về cơ thể của một người đàn ông trong độ tuổi từ 16 tới 20.
“Rất có thể chàng trai này chết vì bệnh tim hoặc bệnh về đường hô hấp”, Minozzi nhận xét.
Charlotte Roberts, một nhà khảo cổ của Đại học Durham tại Anh, ủng hộ kết luận của Minozzi, song bà muốn biết nhiều hơn thế.
“Ngoài việc tìm hiểu nguyên nhân khiến con người có thân hình ngoại cỡ, chúng ta cũng nên nghiên cứu vai trò của những người ngoại cỡ trong xã hội cổ đại”, Roberts phát biểu.
Minozzi đoán rằng người La Mã cổ đại rất thích xem những chương trình biểu diễn của những người có thân hình bất thường – như người lùn hoặc người gù. Vì thế, rất có thể những người có chiều cao bất thường cũng đóng vai trò nào đó trong hoạt động giải trí của xã hội La Mã