Khả năng linh cảm hay còn gọi là linh tính là một hiện tượng xảy ra khá nhiều trong cuộc sống ở khắp mọi nơi, vào mọi lúc và ở mọi người, với những mức độ khác nhau. Đây có phải là một cách thức “người âm về báo mộng”, hay là bản năng của chính con người.
Ý kiến của các nhà nghiên cứu dưới đây, phần nào hé mở cho chúng ta những điều lý thú về khả năng linh cảm của con người.
Linh cảm – linh tính (LC – LT) không chỉ có ở con người mà cả ở động vật bậc cao. Tuy nhiên khả năng ở mỗi con người là khác nhau. Những người cận huyết thống, người có khả năng đặc biệt… dễ bắt được tấn số thông tin của nhau và giải mã nó.
Không chỉ loài người có khả năng linh cảm
ThS Vũ Đức Huynh, chuyên gia nghiên cứu, tác giả cuốn “loài người với tri thức tâm linh” cho biết, LC – LT là thuật từ nói đến khả năng cảm nhận được ngay hoặc trước bằng thần thức và một số giác quan các hiện tượng, sự việc, tình huống, hành động… mang tính lành hay dữ, bình thường hay không bình thường đang, sắp hoặc sẽ xảy ra.
Không chỉ có con người mới có LC – LT mà các động vật, bậc cao, động vật có vú nói chung cũng có. Chẳng hạn, trong trận động đất sóng thần ở Nhật Bản năm 2011, chính những con thú đã biết trước sự việc và tìm đường để thoát. Chính điều này đã khiến Nhật dự định áp dụng thử nghiệm hệ thống cảnh báo sóng thần qua các biểu hiện của loài vật. Bởi trong thực tế đã có khá nhiều câu chuyện ở Nhật Bản về hiện tượng các loài vật dự đoán được trước các hiện tượng thiên nhiên, như trường hợp cá và mèo đã nháo nhác tìm đường về nhà trước thời điểm xảy ra động đất…
Trong một nghiên cứu 10.000 trường hợp liên quan đến ESP (Extra Sensory Perception – Nhận thức ngoài cảm giác hay ngoại cảm) công bố vào năm 1963, nhà nghiên cứu Louisa E. Rhine chia ESP thành 4 hình thức cơ bản:
* Giấc mơ giống thật (39%): Thông tin chuyển tải trong trường hợp này thường sống động, chi tiết.
* Trực giác (30%): Bao gồm “linh cảm, “linh tính” và sự thấy trước.
* Giấc mơ không giống thật (18%): Bao gồm những biểu tượng và hình ảnh kỳ quặc.
* Ảo giác (13%): Bao gồm các thông tin chuyển tải qua hình thức thị giác và thính giác không bằng cách nhìn, nghe thông thường.
LC – LT phụ thuộc vào từng cá nhân, từng con vật do năng lượng sinh học có ở mỗi cá thể là mạnh yếu khác nhau. Nguồn năng lượng mạnh sẽ có khả năng linh tính nhạy, dễ dàng, nguồn năng lượng yếu sẽ giảm khả năng linh tính.
Theo TS Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học Tin học Ứng dụng (UIA), khả năng linh cảm, hay mối giao cảm của con người khá phổ biến, nhất là những người thân với nhau. Chẳng hạn, đối với các bà mẹ trẻ, có con nhỏ, khi con đói khóc, người mẹ thường có cảm giác sốt ruột và tìm mọi cách để đáp ứng nhu cầu của con. Hay khi người thân trong gia đình xảy ra chuyện, ta thường hay có linh tính nóng ruột, nghĩ nhiều về người đó… Càng cận huyết thống, anh em song sinh đặc biệt là sinh cùng trứng sự linh cảm xảy ra nhiều và lớn hơn.
Theo các nhà nghiên cứu, hiện tại, vấn đề linh cảm vẫn chưa được lý giải. Có giả thuyết cho rằng, có lẽ “người nhận” đã được truyền đến một “bức thông điệp không lời” để thông báo tư tưởng của “người truyền”. Mối nối vô hình ấy thường xuất hiện giữa những người có mối quan hệ thân thiết, nhất là các cặp song sinh.
Năm 1962, cặp chị em 32 tuổi nhà Eller cùng được đưa vào bệnh viên tâm thần tại Bắc Carolina (Mỹ) với chẩn đoán tâm thần phân liệt. Bất chấp việc hai người phản đối dữ dội, bệnh viện bố trí họ ở hai trại khác nhau. Điều đáng tiếc đã xảy ra: Cả hai cùng chết một lúc ngay đêm đầu tiên bị tách nhau. Tư thế của hai người co quắp như bào thai trong bụng mẹ, còn nguyên nhân tử vong vẫn là điều bí ẩn. Các trường hợp tương tự nhiều đến nỗi khó lòng lý giải đơn thuần rằng đó là sự trùng hợp.
Khả năng linh cảm ngày càng “thui chột”
Theo ThS Vũ Đức Huynh, con người có 5 giác quan để nhận biết thế giới bên ngoài; có vòng trường sinh học âm tính (vòng hào quang) và “cửa thu và phát sóng sinh học”. Đó là cơ sở cho hai cơ chế nhận biết trước linh cảm – linh tính. Từ thần thức (quan niệm là giác quan thứ 6) và từ một số giác quan cụ thể. Chẳng hạn, từ 5 giác quan của con người (thính giác, thị giác, khứu giác, vị giác, xúc giác) có thể linh cảm một tai nạn giao thông sẽ xảy ra (khi thấy xe ô tô cố băng qua đường tàu hỏa khi tàu đang đến); nghe một tiếng mìn, bom nổ lớn, linh cảm có người chết; sờ vào một người già đang ốm nặng thấy lạnh dần và nghe các câu nói không bình thường, linh cảm cái chết sắp đến.
Linh tính là do cơ chế nhận biết thần thức của con người. Thông tin mà thần thức cảm nhận được trước (linh tính) không đến từ sự nhận biết bằng các giác quan mà từ sự va chạm của hai “vòng trường sinh âm tính” của người với trường của một đối tác nào đó, theo dõi phía sau (linh tính việc đang xảy ra). Linh tính được biểu hiện từ các phản ứng đột nhiên khác thường như nóng ruột, mi mắt giật liên hồi, bồn chồn, bất an, hắt hơi, ù tai… (không phải do bệnh).
Điều đó cho thấy, LC – LT xảy ra khi có sự tương tác giữa hai sóng sinh học có cùng tần số bước sóng và giao thoa hoặc giữa một vòng trường sinh học với một sóng sinh học lạ (của người với một vong hồn, vong linh…).
Theo BS Nguyễn Thế Dân, Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng Con người, linh cảm hay linh tính ấy thường được gọi là “giác quan thứ sáu”. Đó là sự cảm nhận những thông tin của sự vật, hiện tượng về quá khứ, hiện tại hay vị lai thông qua các phương tiện ngoài năm giác quan thông thường. Có lẽ trong đời mỗi người đều đã từng đôi lần có được sự “mách bảo” của linh tính. Có thể là một sự lo lắng mơ hồ khó tả trong lúc làm việc ở cơ quan và một cuộc điện thoại sau đó cho thấy đúng là ở nhà đã có một sự kiện bất thường xảy ra.
BS Nguyễn Thế Dân cho biết, thuật ngữ giác quan thứ sáu (Sixth sense) được biết đến trong giới học giả Phương Tây với tên gọi ESP (Extra Sensory Perception – Nhận thức ngoài cảm giác hay ngoại cảm) do Huân tước Richard Burton sử dụng từ năm 1870 và được phát triển bởi một số nhà nghiên cứu sau này như TS y khoa người Đức Rudolf Tischner (1920), nhà tâm lý học Mỹ Joseph Banks Rhine (là người đầu tiên kiểm tra ESP trong phòng thí nghiệm tại Đại học Duke năm 1930)…
Những câu chuyện xảy ra liên quan đến ESP hầu hết là những vấn đề về khủng hoảng, tai nạn, thảm họa, cái chết của người thân… Những khái niệm khác thuộc phạm trù ESP thường gặp là: Thần giao cách cảm, thấu thị (nhìn thấy các đồ vật hoặc các đối tượng xuyên qua các vật cản), sự biết trước (khả năng thấy các sự kiện trước khi chúng xảy ra), sự thấu suốt (khả năng thấy các sự kiện trong quá khứ)…
Không chỉ có những nhà ngoại cảm nổi tiếng hay những nhân vật quan trọng mới có khả năng này mà người ta ai cũng có, thậm chí có một số người có khả năng khá mạnh, do sinh ra đã có năng khiếu nhiều hơn người khác. Tuy nhiên, khả năng này ở con người dường như ngày càng “thui chột” do sự tiến bộ khoa học. Quan điểm này thấy rõ ở những loài động vật có thể nhận biết trước được động đất, sóng thần, cũng như ở những loài chim, cá di cư. Giả thuyết khác cho rằng đây là một siêu giác quan phát triển trong hệ thần kinh và chỉ được khai triển trong một điều kiện nhất định nào đó.
Trong Thế chiến II, có lẽ lịch sử nhân loại đã diễn biến khác đi nếu như một nhân vật quan trọng của phe Đồng minh, nhà lãnh đạo người Anh – Thủ tướng Churchchill (1874 – 1965) không có vài lần thoát chết nhờ có sự mách bảo của linh tính. Một lần, vào năm 1944 Churchchill đến thăm một trận địa tên lửa, khi ông vừa chuẩn bị rời đi thì có báo động, máy bay oanh tạc của quân Đức ập đến. Người lái xe vội vàng nổ máy để cho xe đi. Không hiểu sao, Churchchill không chịu vào xe mà vòng chạy ra phía sau. Đúng lúc ấy, một quả bom rơi trúng và nổ ngay chỗ Churchchill vừa đứng. Sau này Churchchill đã viết trong hồi ký: “Dường như có một sức mạnh nội tâm đã mách bảo tôi phải rời ngay chỗ đứng”.
Theo Xuân Hoài – KTO
TAMTHUC