Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương
ron-nguoi-chuyen-mo-xac-o-cau-xoa-no Rợn người chuyện mò xác ở cầu… “xóa nợ”
Saturday, 19/01/2013 09:00 am
Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương

Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương

“Có người chết mấy ngày mới tìm thấy nên xác đã trương phình, trắng bệch… Những hình ảnh đó cứ lờn vờn trong đầu, ngay cả lúc ăn, lúc ngủ cũng thấy như y mình đang rờ vào họ. Đến mấy ngày sau, cái mùi hăng hắc của xác người vẫn còn luẩn quẩn đâu đó…”, anh Trung, tặc lưỡi, kể.

 Dân chài chính gốc bỗng kiêm…” thợ mò”

Dân làng chài dưới chân cầu Hóa An, Biên Hòa, Đồng Nai đã sống bằng nghề đánh bắt cá mấy chục năm qua theo kiểu cha truyền con nối. Thế nhưng chẳng biết tự bao giờ, bốn người đàn ông ở làng chài này lại kiêm luôn cái nghề mà nghe nói đến ai cũng rợn người: nghề “mò xác người chết trôi”. Đó là các anh Nguyễn Tiến Dũng, anh Trần Quốc Dũng (tên thường gọi Thanh), anh Đặng Văn Nhu và anh Nguyễn Thành Trung.

Chuyện mò xác của những người dân chài, bắt đầu từ lúc khúc sông Đồng Nai đoạn qua khu vực cầu Hóa An bỗng dưng trở thành nơi “xóa nợ” cho những người chán đời, thất tình… Từ người thua độ bóng đá, người cá độ thua, đến những người chán đời, thất tình… cũng tìm đến đây để tự vẫn.

Ban đầu việc cứu người, vớt xác cũng đến tình cờ theo phản xạ bản năng của những người dân chài khi họ không thể làm ngơ trước những mạng người quẫn trí nên mới lao mình từ trên cầu cao xuống dòng sông cuồn cuộn. Dần dà, cái tên “thợ mò xác” được dân quanh vùng đặt cho khi họ bất chấp ngày đêm, hiểm nguy sẵn sàng lặn sông, ngụp thác… vớt không biết bao nhiêu xác người.

Làng chài ngay dưới chân cầu Hóa An, cây cầu được người dân ví von cái tên “cầu xóa nợ” bởi không ít người mắc nợ, thua cá độ hay thất tình… đều tìm đến đây tự tử.
Ảnh: Minh Quyên

 

 

“Những ngày đầu mới “vào nghề”, cảm giác ớn lạnh về hình ảnh người chết mở mắt trợn trừng nhìn mình, có người chết mấy ngày mới tìm thấy nên xác đã trương phình, trắng bệch… Những hình ảnh đó cứ lờn vờn trong đầu, ngay cả lúc ăn, lúc ngủ cũng thấy như y mình đang rờ vào họ. Đến mấy ngày sau, cái mùi hăng hắc của xác người vẫn còn luẩn quẩn đâu đó…”, anh Trung, tặc lưỡi, kể.

Nghe đến đây, anh Nhu cũng nổi da gà, nhớ lại: “Hôm đó, lúc đang hì hục kéo lưới, thấy nặng quá tưởng bắt được cá lớn, lúc nhìn thấy trong lưới có xác người tôi sợ quá, chết điếng. Một lúc sau mới hoàn hồn chạy đi báo công an. Hình ảnh đó, ám ảnh đến nỗi tôi phải bỏ nghề đánh cá đến mấy năm. Vậy mà giờ tôi lại chuyên đi vớt xác người chết…”.

Và mỗi lần có người nhảy cầu, chết đuối các anh đều chạy ra cứu, cứu không được các anh vớt xác họ lên rồi tìm người thân. “Khó khăn đến mấy cũng không để họ nằm dưới dòng nước lạnh lẽo”, anh Thanh nói. Ảnh: Thái Phương

 

 

Ngồi nói chuyện với các anh trong căn nhà tôn xập xệ bên bờ sông Đồng Nai, nhìn ra dòng sông cuồn cuộn chảy qua cầu Hóa An, chúng tôi cũng rùng mình và chạnh lòng khi nghĩ đến cái nghề vớt người, mò xác lắm hiểm nguy nhưng không phải lúc nào cũng được trả công.

“Cứ nghe tiếng người la hét ở cầu là anh em bơi xuồng ra cứu, chẳng nghĩ ngợi gì. Nhưng không phải lúc nào cũng cứu được, có hôm chạy xuồng đến nơi chỉ vớt được cái xác rồi mang họ cho công an” – anh Thanh nói, giọng buồn miên man.

Mới đây, lại có một người chết ở “hồ tử thần” (xã Đông Hòa, Dĩ An, Bình Dương), người dân quanh vùng vẫn không ai dám lặn xuống cái hồ sâu hoắm, lạnh cóng lúc gần nửa đêm khi nhớ lại hàng chục mạng người đã nằm lại dưới hồ… Nhưng…”Nghe điện thoại của mấy chú công an, tụi tôi bảo nhau xách xuồng đi liền. Nạn nhân không có người nhà, chẳng lẽ mình biết có người chết mà để họ nằm dưới dòng nước lạnh sao được…” – anh Dũng, bộc bạch.

Cứu người để được… trách móc!

Công việc nguy hiểm nhưng đồ nghề của các anh chỉ là những dụng cụ tự chế, mắt kính đeo dưới nước có gắn chiếc đèn rọi ban đêm, hệ thống “bình dưỡng khí” là cuộn dây dài nối với máy phát điện…

Chị Trương Thị Ánh Hồng, vợ anh Thanh dù đã quen với nghề “chẳng giống ai” của chồng nhưng cảm giác bất an vẫn xâm chiếm mỗi lần nghĩ cảnh chồng đang vật lộn với dòng nước xiết ở dưới sông hay ngụp lặn cả đêm chỉ để tìm người xấu số…

“Những lúc nửa đêm đang ngủ hay trời chưa rạng, thậm chí mưa gió mùa lũ anh cũng đi ngay khi nhận tin có người chết. Từ lúc anh ra khỏi nhà là tôi bắt đầu hồi hộp, trằn trọc không ngủ. Chỉ đến khi tiếng xe của anh dừng trước cửa tôi mới nhẹ lòng…”, chị Hồng tâm sự. “Anh bảo nghĩa tử là nghĩa tận chẳng lẽ biết mình lặn ngụp quen mà nghe có người chết lại không vớt… Nói vậy thì sao vợ con cản được”.

Từ ngày làm nghề chài lưới kiêm luôn thợ mò xác, nhóm thợ lặn không nhớ hết đã vớt bao nhiêu xác, cứu bao nhiêu người nhưng những lời cám ơn, hậu tạ của các nạn nhân chỉ đếm trên đầu ngón tay! Thậm chí các anh không giấu nỗi buồn khi kể về những lần mình cứu người xong còn bị… dọa đánh, người được cứu quay lại chửi rồi bỏ đi không một lời cám ơn.

Chỉ với dụng cụ đơn giản tự chế như thế này, các anh đã vớt xác không biết bao nhiêu người xấu số.
Ảnh: Thái Phương

 

 

Cách đây vài tháng, hai cha con tôi đang đi đánh cá thì nghe có người nhảy cầu tự tử. Ngay lập tức thằng con trai cho thuyền quay đầu lại, chạy tới chỗ người thanh niên nhảy… Sau khi sơ cứu xong, chúng tôi báo công an phường chở cậu thanh niên đó về nhà. Không ngờ, vừa về đến cửa mẹ cậu thanh niên mắng xa xả vào mặt người công an thay vì cảm ơn “sao chú không để nó chết mà cứu nó chi vậy? Rảnh quá ha!”, anh Thanh cười buồn nhớ lại.

Cứu người không mong trả ơn nhưng đôi lúc ân nhân của các anh lại thay câu cám ơn bằng lời trách móc “việc gì phải cứu, sao không để tôi chết”…

Nghề vớt xác nguy hiểm rình rập, kinh nghiệm lặn ngụp sông nước mấy chục năm cũng không lường trước chuyện gì sẽ xảy ra dưới dòng nước xiết hay trong hầm đá sâu thẳm… “Nhớ lần đi vớt xác ở tận Lâm Đồng. Mùa đông, trời lạnh thấu xương. Sương đêm dày đặc phủ kín mọi vật xung quanh nhưng cả nhóm phải lặn ngụp trong dòng nước lúc 9h đêm… Cả tiếng đồng hồ sau mới mò thấy xác. Những lúc đó, nếu không nghĩ tới cảnh gia đình người chết đang mong mỏi từng giờ được thấy mặt người thân mình lần cuối… chắc cả nhóm không đủ sức làm tiếp”, anh Dũng nói.

Vậy mà nhiều lần cả nhóm nhận tiền công chỉ đủ trả tiền mua dầu đổ xuồng… Nhưng khi hỏi mọi người về ý định bỏ cái nghề “bạc” này, ai cũng im lặng. “Mình mà bỏ lỡ có người chết thì ai vớt họ bây giờ?. “Người sống không nói làm gì nhưng họ chết rồi chẳng lẽ để họ nằm lại dưới sông. Thà không biết thì thôi chứ nghe có người báo, có tiền hay không chúng tôi vẫn phải đi” – anh Nhu chân tình, nói,

TAMTHUC