Những huyền tích về “Ông cá” ở chốn rừng thiêng…
Dài chừng 15m, sâu khoảng 40 – 50 cm, suối Ngọc (xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa) là nơi tập trung của đàn cá hàng nghìn con. Hàng ngày, đều đặn như có hẹn, 5 – 6 giờ sáng cá nối đuôi nhau chui từ hốc đá ra ngoài suối và 18 – 18h30 chúng lại tự động bơi vào, tuyệt nhiên không còn con cá nào lởn vởn ngoài suối nữa.
Đàn cá này to nhỏ đủ cỡ, trọng lượng mỗi con khoảng từ 200g đến 5, 7kg. Đa phần chúng có vẩy màu xanh đen với sáu vây. Vây, môi và mang cá đỏ chót, mắt đen lồi, dọc hai bên mắt (mang cá) có hai sọc đen dài nhìn như đuôi mắt.
Nhìn hình dáng bên ngoài, loài cá này có vẻ hơi kỳ quái, không giống với những loại cá thông thường. Khách du lịch và những người bán hàng xung quanh suối Ngọc thường nói đây là cá chép nhưng dân bản địa gọi là cá dốc (cá dóc) có họ hàng với cá dốc sông Mã.
Gọi là cá gì đi nữa thì người dân xung quanh khu du lịch suối Ngọc vẫn tin rằng, cá ở suối này không phải là cá thường mà là cá thần (suối Cá Thần), đó là một đoàn “âm binh” của thần Rắn trấn giữ núi Lương (đầu nguồn suối Ngọc).
Họ tin rằng, ngọn núi và đền thờ này rất thiêng, nếu ai trêu đùa hay làm hại đến các “ông cá” sẽ bị trừng phạt; ai làm bẩn nước hay rửa chân tay ở đây sẽ bị ốm…
Những người bán hàng dọc suối thường kể chuyện như để răn đe du khách không được xâm phạm suối cá: Có hai cha con nhà nọ bắt một “ông cá” làm thịt. Khi thả vào nồi, cá liền tan thành nước. Hai cha con nọ vẫn ăn, sau bị chết bất đắc kỳ tử. Hoặc chuyện một số du khách làm bẩn nước, nghịch cá nên bị hỏng xe, bị ốm…
Thực hư thì không ai kiểm chứng được nhưng có điều rất lạ là dù Thanh Hóa thường xuyên bị lũ lụt mà cá ở đây không trôi đi đâu mất. Cụ thể khi nước lớn tràn vào suối, những con cá lớn chui vào các hang, hốc đá để trốn, những con nhỏ nếu có bị nước cuốn đi cũng tự biết đường bơi trở lại.
Lạ hơn nữa là, dù là nơi cư trú của hàng nghìn con cá nhưng nước suối Ngọc trong vắt, nhìn thấy rõ cả rêu, đá sỏi ở dưới đáy. Chúng tôi múc nước suối lên xem, ngửi không thấy mùi tanh, bằng mắt thường cũng không nhìn thấy đục, cặn bẩn…
Có “cá Mẹ”?
Người ta còn kể trên núi Lương, nơi đầu nguồn suối Ngọc có một cá Mẹ (cá Chúa) to bằng cánh phản, nặng hàng trăm cân, là thủy tổ của cá suối Ngọc. Thuở trước, cá Mẹ hay bơi xuống suối dạo chơi, nhưng giờ đã già yếu nên không xuống nữa mà ngự trên núi cao, thi thoảng mới bơi ra thung tắm nắng.
Có người lại kể, cá Mẹ chỉ nằm một chỗ, ít khi di chuyển ra ngoài thung. Khoảng 5 năm con cá ấy mới ra ngoài một lần và thể nào năm ấy, dân quanh vùng cũng được mùa, làm ăn phát đạt.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung (Thanh Xuân, Hà Nội) thường dẫn đoàn đi lễ đền suối Ngọc cho biết, đã có cơ duyên gặp cá Mẹ. “Tôi trèo lên tận đỉnh núi Lương và may mắn thấy “ngài” nằm trong một thung lũng nước. Cá Mẹ to lắm, khoảng 30 – 35 kg, người tròn lẳn, vẩy đen sì, riêng vây và môi thì đỏ chót như tô son” – bà Dung hào hứng kể.
Nhiều du khách khác cũng lên đỉnh núi tìm “ngài” nhưng không phải ai cũng có may mắn được chiêm ngưỡng cá Mẹ huyền thoại.
“Tôi vẫn từng bắt cá ăn, có sao đâu”
Những câu chuyện xung quanh đàn cá lạ, chẳng rõ thực hay hư đã khiến người ta phải hoài nghi. Vô tình, chúng tôi gặp một ông già Mường trên đỉnh núi gần suối Ngọc, lưng đeo dao quắm, hình nhân trông rờn rợn, cổ quái.
Khi được hỏi về suối cá, ông trả lời: Suối cá có từ khi đẻ đất đẻ nước. “Lịch hoạt động” của đàn cá rất đều đặn, sáng ra suối, tối vào hang; có cá Mẹ rất to ở hang gần đỉnh núi Lương…
Ông Phạm Quyên (tên ông già người Mường) khẳng định chính mắt ông đã nhìn thấy cá Mẹ “to bằng tàu lá chuối nhưng nhiều năm rồi chưa thấy nó ra trở lại. Cả đời tôi sinh ra, lớn lên ở đây cũng chỉ mới gặp cá Mẹ có một lần thôi”.
Chuyện nước suối không có mùi tanh cũng có thật, bởi ông Quyên ngày nào đi qua suối cũng uống nước, rửa mặt tại đây. Khi trước, có người còn tắm giặt, lấy nước ăn ở suối này nhưng từ khi thành khu du lịch, người ta không làm thế nữa.
Tuy nhiên, người đàn ông này cho rằng, chuyện ai ăn thịt cá đều bị nguyền, bị chết là khó tin. “Trước khi suối này được Nhà nước công nhận, bản thân tôi và nhiều người sống gần đây vẫn bắt cá ăn, có sao đâu. Cá cũng không bị tan thành nước nhưng chẳng rõ vì cớm nắng hay vì cá ít bơi lội mà thịt cá rất bở, không ngon…”.
Ông Quyên khẳng định trước đây đã từng bắt cá về ăn
…Cá chết được chôn, mộ cá được đánh dấu
Ông Quyên cũng cho biết, chuyện cá suối Ngọc không chết bao giờ là phi lý, có điều, người ta ít thấy cá chết tại suối, có thể chúng chết ở một hang hốc nào đó, hy hữu mới thấy một vài chú cá “bỏ mạng” bên suối. Những lúc như thế, người già trong làng phải vớt lên, đem vào đền lễ, xin phép thần Rắn rồi chôn ở cái gò gần suối, có đánh dấu mộ đàng hoàng.
Chúng tôi mua một ít rau và bỏng ngô để “làm quen” cá. Đàn cá ở đây rất “dạn” người, thấy thức ăn là tung lên đớp, thậm chí đớp cả thức ăn trên tay người. Khách du lịch ít dám nghịch hay vớt cá mà thường đứng trên bờ ngắm hoặc chụp ảnh.
Suối Cá Thần ở Cẩm Lương vẫn ngày càng đón nhiều du khách hơn và theo thời gian những câu chuyện đậm màu huyền thoại cứ ngày càng nhiều hơn. Phải chăng những điều này đang là thứ gia vị làm địa danh này trở nên hấp dẫn hơn.
(Theo Bee.net.vn)