Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương
bi-an-ngoi-den-thieng-va-nui-vat-nguoi-o-hai-phong Bí ẩn ngôi đền thiêng và núi “vật” người ở Hải Phòng
Saturday, 26/01/2013 09:00 am
Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương

Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương

Hàng loạt gia đình quanh chân núi rơi vào thảm cảnh không chết chóc thì cũng bệnh tật, tai nạn, ly tán…
Ông Trần Quang Thiện, 80 tuổi, con cháu của cụ Trần Liễu (cha của tướng quân lỗi lạc Trần Quốc Tuấn, anh ruột vua Trần Nhân Tông), hễ cứ nhắc đến tổ tiên mình, là ông nhập tâm như bị lên đồng. Ở tuổi ông, sắp về giời rồi, nên thứ ông quan tâm nhất là làm được gì đó báo đáp cho tổ tiên.

Ông Thiện kể cũng lạ. Tôi chơi với ông nhiều năm nay, và nhiều khi vẫn không lý giải được vì sao ông lại yêu tổ tiên xa tít mù tắp của mình đến vậy. 80 tuổi, ông vẫn đi khắp chốn bằng xe máy Tàu, tiếng nổ phành phạch, khi chạy phát ra đủ loại âm thanh lóc cóc.

Hình ảnh

Làng Mỹ Cụ xưa là ấp Dưỡng Chân.

Nay ông về Tức Mặc (Nam Định), mai ông về Hưng Hà (Thái Bình) đất phát nghiệp vương triều Trần, ngày kia đã lại ở An Sinh (Đông Triều, Quảng Ninh), nơi quê cha đất tổ của dòng họ đế vương. Ông mua cả mảnh đất to tướng ở ngay đền An Sinh, để sau này già yếu, không đi được đâu nữa thì về đó ở nhang khói cho các cụ.

Ông đi xe máy Tàu, ngồi uống trà nóng vỉa hè, hút thuốc lá ngày 2 bao và tuyên bố sẽ dành hàng chục tỷ đồng để tôn tạo, xây dựng các khu tưởng niệm vương tướng nhà Trần.

Ở đất Hà Nội ít người biết đến ông, cái xóm nhỏ chân cầu vượt Ngã Tư Vọng cũng không biết ông là ai, nhưng con cháu nhà Trần, dân cư vùng đất có di tích nhà Trần đều biết đến ông Thiện đại gia, vì sự kiện nào ông cũng có mặt.

Hình ảnh

Núi Dưỡng Chân.

Hồi các nhà khảo cổ, các nhà lịch sử truy nguyên công trạng của cụ Trần Tung, nhân vật từng có thời gian dài bị lãng quên, đã dấy lên hàng loạt cuộc bàn thảo, rồi sau đó là công cuộc tìm kiếm nơi cụ từng sinh sống và hóa.

Người nhiệt tình nhất trong việc đi tìm vùng đất ấy có lẽ là nhà sử học Dương Trung Quốc, ông Ngô Đăng Lợi (Chủ tịch Hội sử học Hải Phòng). Và họ đã tìm thấy ngôi làng Mỹ Cụ, cùng quả núi có tên cổ Dưỡng Chân.

Núi Dưỡng Chân được nhắc đến trong những truyền thuyết từ thời Hùng Vương. Ngày đó, quả núi này thuộc Mỹ Cát Trang. Đến thời Trần đổi tên thành Mỹ Cụ.

Hình ảnh

Thời Trần, làng Mỹ Cụ có công lớn vì đã nấu nướng, làm cỗ nuôi quân nhà Trần trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông. Trong ngôi làng này, có một thái ấp tên là Dưỡng Chân và quả núi hình con rùa có tên gọi là núi Dưỡng Chân.
Chính cái tên gọi Dưỡng Chân đã khiến quả núi này trở nên nổi tiếng, trở thành địa danh lịch sử đặc biệt, tốn khá nhiều giấy mực của các nhà nghiên cứu.
Cách đây gần chục năm, trong quá trình nghiên cứu về Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, các nhà nghiên cứu thấy ẩn hiện đằng sau các tài liệu lịch sử là nhân vật Trần Tung.

Hình ảnh

Đền thờ Trần Tung dựng tạm trên đỉnh núi Dưỡng Chân.

Trần Tung sinh năm 1230, mất năm 1291. Ông là anh ruột của Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn, anh ruột của hoàng hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm, tức anh vợ vua Trần Thánh Tông.

Trong ba cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, Trần Tung đã trực tiếp tham gia cầm quân đánh giặc và có những chiến công lớn.

Đất nước thái bình, ông làm Tiết độ sứ, quản lý vùng duyên hải. Nhưng làm quan một thời gian ngắn, ông lui về ở ẩn nơi trang ấp được phong có tên là Dưỡng Chân.

Tại Dưỡng Chân, ông tiếp tục nghiên cứu đạo Phật. Ông mất và được an táng tại ấp này.

Hình ảnh

Tượng các vị Trần Hưng Đạo, Trần Tung, Trần Nhân Tông trong đền thờ trên đỉnh núi Dưỡng Chân.

Xưa kia, Trần Tung từng theo học Thiền sư Tiêu Dao, một nhân vật nổi tiếng cuối đời Lý. Nhưng ông tu Phật mà không hề xuất gia, không giữ đúng các phép “tam quy”, “ngũ giới”.

Bằng trí xét đoán sắc sảo của mình, Trần Tung đã trở thành một nhà Thiền học có bản lĩnh, có lý trí, không câu nệ ở ở giáo điều sách vở. Ông chính là người thầy giảng dạy đạo Phật cho Trúc Lâm Tam tổ, trong đó có Phật hoàng Trần Nhân Tông. Chính vì vậy, thời nhà Trần, ông được gọi là Hưng Ninh Vương Trần Tung, với đạo hiệu Tuệ Trung Thượng Sỹ, là người thầy của Trúc Lâm sơ tổ.

Phát hiện ra nơi Tuệ Trung Thượng Sỹ Trần Tung ở ẩn, tu hành và mất, con cháu nhà Trần, trong đó tích cực nhất là ông Trần Quang Thiện, ra sức bảo vệ, giữ gìn quả núi này.

Hình ảnh

Đào hồ, tạc tượng đá trên đỉnh núi.

Lúc các nhà sử học phát hiện ra quả núi này, cũng là lúc dân làng Mỹ Cụ ra sức đào bới, mở chi chít đường hầm xuyên vào lòng núi để phá mộ cổ tìm kho báu.

Rất nhiều hộ dân quanh quả núi này đã thuê máy xúc, máy ủi vào phá núi mở rộng vườn tược, rồi múc đất bán cho các doanh nghiệp san lấp mặt bằng ngoài quốc lộ.

Sau khi dự án bảo tồn quả núi được lập, ông Thiện cùng con cháu họ Trần thuê người lấp hết các hầm mộ, các hang hốc do đám săn đồ cổ đào. Một ngôi đền nhỏ bằng tôn được dựng tạm trên đỉnh núi. Cả một hồ nước được đào trên đỉnh núi, trước ngôi đền, cho đẹp phong thủy.

Hình ảnh

Tượng đồng được đúc, tượng đá được tạc bê lên đỉnh núi để thờ. Theo ông Thiện, khi mọi thủ tục xong xuôi, con cháu họ Trần sẽ đầu tư xây dựng các công trình thờ tự khang trang trên quả núi này.

Anh Dương Văn Mạnh, người được ông Trần Quang Thiện thuê trông nom, săn sóc ngôi đền dựng tạm bằng những tấm tôn, dẫn tôi lên đền, mở khóa và thắp nhang.

Trong ngôi đền có giường chiếu, chăn màn hẳn hỏi để trông coi những pho tượng quý, nhưng anh Mạnh bảo không ai dám ngủ trong đền.

Theo lời anh, đêm nào cũng vậy, hễ nhắm mắt vào là lại có người dựng dậy, rồi nghe tiếng cười nói xôn xao, quân lính đi lại rầm rập, cờ phướn phấp phới trước mắt.

Hình ảnh

Ngôi nhà bảo vệ cũng bỏ hoang vì không ai dám ở.

Anh Mạnh kể chuyện này với mấy ông bạn cũng thuộc hạng đầu gấu ở làng Mỹ Cụ và làng khác, song chẳng ai tin. Mấy thanh niên đã thử kéo nhau vào đền ngủ.

Thế nhưng, nửa đêm cả bọn chạy tán loạn xuống núi, không bao giờ dám lên nữa. Ông nào cũng bảo nhìn thấy toàn quân lính với cả rừng giáo mác, sợ toát mồ hôi.

Anh Mạnh, rồi cả ông Thớ đều không dám ngủ ở đền, nên có thời gian ông Thiện thuê anh Phạm Văn Tuyn trông nom, vì sợ trộm khênh mất tượng quý.

Ngủ trong đền không được, anh Tuyn chuyển chăn ấm đệm êm ra ngôi nhà dành cho bảo vệ chỗ lưng chừng núi, cách đền chừng 50m. Thế nhưng, chỉ được mấy ngày, anh Tuyn bỏ của chạy lấy người, không dám trông ngôi đền này nữa. Anh Tuyn cũng kể rằng đêm nào cũng “gặp” toàn quân lính.

Không thuê được ai trông đền suốt ngày đêm, ông Thiện đành chấp nhận phương án giao chìa khóa cho anh Mạnh, rồi mặc kệ ngôi đền trên núi.

Ở nước ta, ngôi đền nào mà chẳng được đồn đại linh thiêng như thế. Nhưng, tôi thực sự bất ngờ, khi dạo quanh xóm nhỏ dưới chân quả núi này, và thấy rằng, hàng loạt gia đình quanh chân núi rơi vào thảm cảnh không chết chóc thì cũng bệnh tật, tai nạn, ly tán…

TAMTHUC