Bên cạnh chùa Vĩnh Phúc có lịch sử hàng trăm năm đã có quyết định phục dựng của UBND tỉnh và có quyết định bổ nhiệm trụ trì của tỉnh hội Phật giáo là một trại chăn nuôi với quy mô rộng 8,6 ha đang bị dân phản ánh gây ô nhiễm. Nghịch cảnh này diễn ra tại xã Nam Xuân (Nam Đàn, Nghệ An).
Cạnh chùa là… trại chăn nuôi lợn
Chùa Vĩnh Phúc (tên gọi dân dã là chùa Mơng) là ngôi chùa lớn, linh thiêng, có lịch sử hàng trăm năm toạ lạc tại xóm 3, xã Nam Xuân đã bị bom đạn phá huỷ trong chiến tranh chống Mỹ. Cách đây hơn 10 năm, lương y Vương Đình Thụ là người địa phương đã phát tâm bỏ kinh phí xây dựng một ngôi nhà nhỏ để hương khói thờ phụng đức Phật.
Sau đó, người dân và các nhà hảo tâm đã góp kinh phí xây dựng thêm gian thờ, mái tôn và một căn nhà nhỏ bên cạnh. Hiện khuôn viên chùa có, tượng Thích Ca Mầu Ni dưới cây bồ đề cổ thụ, tượng Quán Thế Âm Bồ Tát, tấm bia tưởng niệm thiền sư Nguyễn Na, bậc cao tăng đã từng tu hành tại chùa. Người dân và các Phật tử xa gần vẫn thường xuyên lui tới hương khói.
Ngày 6/9/2010, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3911/QĐ.UBND-NC do ông Thái Văn Hằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kí, chấp thuận phục hồi chùa Vĩnh Phúc. Năm 2011, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam có quyết định bổ nhiệm Đại đức Thích Thiền Tuệ trụ trì chùa Vĩnh Phúc. Lễ bổ nhiệm trụ trì chùa diễn ra vào ngày 30/11 âm lịch (24/12/2011).
Chùa Vĩnh Phúc đã được phục dựng
Nhưng nghịch lý là ở chỗ, ngay cạnh chùa là trang trại chăn nuôi (lợn, cá) có quy mô lớn của công ty TNHH Đức Mạnh, được UBND tỉnh cấp giấy phép (thuê đất 50 năm), khởi công xây dựng từ tháng 6/2010. Theo ông Bùi Văn Hoa, giám đốc công ty, trại có quy mô 8,5 ha, nuôi 1.200 con lợn nái và có hệ thống ao hồ để tận dụng nước thải nuôi cá, đã đi vào sản xuất.
Hiện nay, mặc dù số lợn nuôi chưa đến 1.000 con, song đã gây ô nhiễm môi trường. Khi chúng tôi đến chùa, ngay bên đường vào chùa là một rãnh nước bẩn từ trại chăn nuôi thải ra, bốc mùi khó chịu. Bên cạnh khuôn viên chùa là một trại chăn nuôi có hàng nghìn con vịt lớn và một hồ nước bẩn.
Bên đường vào chùa là rãnh nước bẩn chảy ra từ trại chăn nuôi của DN Đức Mạnh.
Bác Nguyễn Thị Đào, người làm Phật sự tại chùa cho biết, mỗi khi có gió thổi từ hướng trại sang thì nghe mùi hôi thối rất khó chịu, các Phật tử đều phàn nàn. Một người dân xóm 3 đang ngồi câu cá ngay cạnh cổng chùa bức xúc: “Trước đây xã có đưa việc doanh nghiệp xin mở trại chăn nuôi ra bàn, dân cả 12 xóm không ai nhất trí, đảng bộ cũng không ai đồng ý, nhưng không hiểu sao sau đó vẫn thấy người ta xây trang trại. Tuy mới vào hoạt động song trang trại này xả nước thải bẩn và mùi khó chịu ra môi trường, dân đi làm đồng kêu ca rất nhiều”.
Doanh nghiệp đục tường để tiện thải nước bẩn ra ngoài.
Giải thích nguyên nhân gây ô nhiễm, người phụ trách trại chăn nuôi cho biết: “Công ty đã có hệ thống xử lý bioga đảm bảo quy định, nhưng hiện nay đang xả nước ra hồ để nuôi cá nên mới có hiện tượng như trên. Sắp tới chúng tôi sẽ xử lý triệt để. Chúng tôi có đến 6 héc ta hồ nên không thể để xẩy ra ô nhiễm như các nơi khác. Hiện nay công ty có nuôi một số vịt tại hồ cạnh chùa, nhưng sắp tới sẽ di dời và vị trí đó sẽ trồng cây”.
Nước từ trại lợn thải ra đen ngòm, sủi bọt, làm cá chết nổi lên, được xả thẳng ra ruộng đồng, kênh mương.
Chủ tịch xã lừa PV?
Chúng tôi tìm gặp các vị lãnh đạo UBND xã Nam Xuân để tìm hiểu thì đều nhận được thái độ lảng tránh. Khi gặp ông Phó Chủ tịch UBND xã, ông chỉ sang gặp Chủ tịch, ông Bí thư Đảng uỷ cũng từ chối nêu quan điểm và bảo PV gặp Chủ tịch.
Đến khi liên hệ qua điện thoại, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã bảo đang bận họp ở Nam Đàn, và không đồng ý gặp, chỉ PV sang gặp Phó Chủ tịch phụ trách văn xã, bởi “công việc cuối năm bận”, cho dù chúng tôi chỉ xin gặp khoảng 10 phút. Rồi ông lại bảo ông Phó Chủ tịch phụ trách văn xã đang đi họp.
Qua trao đổi, ông Dũng cũng cho biết xã và huyện đã ký vào tờ trình của doanh nghiệp, còn cấp giấy phép là thẩm quyền của UBND tỉnh. Ông Dũng cũng phủ nhận việc doanh nghiệp gây ô nhiễm, còn việc trại nằm cạnh chùa là do trước đây vị trí đó cũng là một cái trại bò.
Ngày 13/12/2011, mặc dù vẫn làm việc ở trụ sở xã, cửa phòng vẫn mở
nhưng ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch UBND xã Nam Xuân lại nói với PV: “Tôi đi họp trên huyện”.
Ngày 13/12/2011, chúng tôi điện thoại xin gặp thì ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch UBND xã Nam Xuân bảo : “Tôi đi họp trên huyện”. PV xin gặp vào hôm khác du chỉ mươi phút, nhưng ông Dũng chối đây đẩy: “Cuối năm bận nhiều việc, không thể gặp được”.
Tuy nhiên, khi PV đến trụ sở UBND xã thì được biết buổi sáng đó ông Dũng vẫn làm việc tại xã, phòng của Chủ tịch vẫn mở cửa. Như vậy, đằng sau việc ông Chủ tịch UBND xã không trung thực với PV chắc chắn có điều gì “khó nói”?
TAMTHUC