Rắn di chuyển trong rừng nghe rào rào. Rắn ngóc đầu cao hơn cả mét. Xe Kamaz có trọng tải 5 tấn cán qua mình mà rắn không chết.
Rắn to bằng bắp chân, nặng mười mấy ký, nằm vắt ngang con đường đất đỏ rộng hơn 4m mà đầu và đuôi còn nằm trong bụi rậm hai bên đường. Và cũng ít ai biết rằng bộ phận sinh dục rắn đực luôn có hai “chim”. Những câu chuyện như hoang đường nhưng có thật tại vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát (Tây Ninh).
Ẩn chứa trong những khu rừng già còn có biết bao điều bí ẩn mà con người chưa khám phá hết. Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát nằm chếch về hướng tây của tỉnh Tây Ninh, giáp ranh Campuchia tại cửa khẩu Xa Mát với bạt ngàn một màu xanh của những cây cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm. Dưới tán rừng ấy là quần thể động thực vật phong phú. Nổi tiếng trong giới động vật tại đây là loài rắn hổ mang chúa mà người dân quen gọi là hổ rừng, hổ chúa.
Giáp mặt rắn chúa
Rắn hổ mang chúa tuy có nọc cực độc nhưng ít khi tấn công người nếu không bị kích động, săn bắt. Loài rắn này hiện là món khoái khẩu của những tay bợm nhậu do đó khả năng tuyệt chủng rất cao. Rắn hổ mang chúa được liệt vào sách đỏ của Việt Nam là loài cần được bảo vệ nghiêm ngặt, cấm săn bắt, mua bán.
Trước khi vào rừng chúng tôi đã được nghe giám đốc vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát Nguyễn Đình Xuân kể chuyện ông đã giáp mặt rắn chúa. Lần đó, vào cuối tháng 3-2012, ông cùng các chuyên gia nước ngoài đi tham quan, nghiên cứu rừng. “Khi chiếc xe hơi chạy đến cầu Đa Ha, ngay Trạm kiểm lâm Đa Ha thì tài xế thắng xe gấp và la lớn: “Rắn!”.
Tôi ngẩng đầu lên nhìn, một con rắn nằm vắt ngang đường. Con đường đất đỏ rộng hơn 4m mà con rắn vắt ngang, đầu và đuôi còn nằm trong bụi rậm hai bên đường. Con rắn dài đến cả 5m. Đường kính mình rắn chắc phải đến 30cm (khoảng hai gang tay), nặng chừng hơn chục ký” – ông Xuân kể. Ngay sau đó ông Xuân và mọi người xuống xe chụp ảnh nhưng con rắn ngóc đầu và phi thẳng vào rừng. “Nó lướt đi ào ào như gió thổi” – ông Xuân nhớ lại.
Đầu tháng 12, chúng tôi háo hức vào rừng mong được một lần giáp mặt rắn hổ chúa. Cơn mưa cuối mùa ào tới như trút nước xuống cánh rừng rồi cũng nhanh như lúc bắt đầu, mưa đột ngột tạnh. Mặt trời đang đổ dần xuống đằng tây, đỏ ối. Anh Nguyễn Thanh Hải, người có thâm niên gần 20 năm làm bảo vệ rừng tại vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát, hồ hởi dẫn chúng tôi luồn rừng, nói: “Mưa tạnh, trời chiều như thế này rắn hổ rừng (tên người dân địa phương thường gọi hổ mang chúa) hay bò ra kiếm ăn lắm. Các anh đi cẩn thận không rắn cắn”.
Tham gia chuyến đi với chúng tôi còn có hai cán bộ trẻ của Viện Sinh thái học miền Nam và hai nhân viên bảo vệ rừng khác. Cây rừng dày ken san sát nhau rợp lá che kín bầu trời trên đầu nên đường tối om. Chúng tôi phải đồng loạt bật đèn pin đeo trên đầu và dò dẫm bước.
Bỗng anh Hải suỵt, ra dấu cả đoàn dừng lại. Rọi đèn pin vào vật đen thui vắt ngang qua đường rồi quét một vệt sáng chiếu dọc theo nó, Hải cười khẽ: “Tưởng rắn hóa ra cây gỗ mục đen thui”. Chỉ vào cây gỗ to bằng bắp chân, anh Hải kể mới tuần trước, trong lúc đi tuần ngay tiểu khu 19, gần Suối Lớn, anh và đồng nghiệp gặp một con hổ rừng to như khúc cây này. “Khi thấy động, nó ngóc đầu lên đến ngực tôi toan tấn công. Tôi liền hô anh em tạt sang bên và bỏ chạy. Nó mà mổ một nhát là mất mạng như chơi”.
Hồi đầu tháng 11, cũng tại khu vực Suối Lớn này, anh Nguyễn Long Điền, nhân viên phòng kỹ thuật của vườn, đã giáp mặt với hổ chúa lớn dài hơn 3m, nặng gần chục ký. Anh Điền run, không chạy, chỉ đứng im. “Chỉ cách chừng vài mét, con rắn ngóc đầu dòm tui một hồi rồi bò đi. Lúc này tôi mới hoàn hồn và bỏ chạy thục mạng” – Điền nói và cho biết nhớ lại cảnh ấy mà còn sởn gai ốc.
Nói về gặp rắn chúa, các anh em bảo vệ rừng tại vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát hầu như ai cũng ít nhất một lần chạm mặt. Thế nhưng anh Hải có lẽ là người đã nhiều lần được mặt giáp mặt với những con rắn hổ mang chúa vào loại lớn của vườn.
Cũng trong một lần dẫn đoàn chuyên gia đi nghiên cứu, lúc đó khoảng 19g, khi chiếc xe Kamaz có trọng tải 5 tấn chở mọi người quay về, ngang cửa chốt Cua Lớn thì khực… khực và nảy lên. Mọi người ngó đầu ra nhìn. “Tôi thấy một con rắn chúa nằm vắt ngang đường, dài khoảng 5m, vươn cao cái đầu ngọ nguậy phun nọc phì phì – anh Hải sửa lại cái đèn pin đang đeo trên đầu để nó chiếu thẳng ánh sáng về phía trước rồi kể tiếp – Mọi người tưởng nó đã bị gãy xương sống lưng nhưng ai dè ngay lúc tui vừa bước xuống xe, con rắn phi thẳng vào rừng rậm, mất hút”.
“Giờ mà gặp được con rắn cỡ ấy thì chụp hình sướng nhỉ” – Vũ Long, cán bộ nghiên cứu của Viện Sinh thái học miền Nam đi cùng chúng tôi, nói vui. Để cơ may gặp được rắn cao hơn, nhóm chúng tôi tách ra làm hai. Vũ Long theo chân một cán bộ bảo vệ rừng rẽ sang hướng khác lần sâu vào trong rừng. Ngay sau đó nhóm của Vũ Long may mắn gặp được rắn hổ mang chúa tuy không lớn nhưng cũng nặng khoảng 2kg, dài gần 2m, phun nọc độc phì phì rồi lao mình vào bóng đêm mất hút. May mắn anh em cũng chụp được vài kiểu ảnh rắn chúa trong vườn.
Bắt rắn đền mạng
Với những con rắn hổ mang chúa nặng 2-3kg, theo anh Hồ Thanh Giang – cán bộ bảo vệ rừng tại chốt Tà Nót giáp ranh với Campuchia, anh em bảo vệ rừng gặp thường xuyên. Giang cho biết đã nhiều lần gặp con rắn hổ rừng nặng 6-7kg bơi từ bên kia sông (nơi đất Campuchia) sang vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát.
“Hầu như hai ba ngày một lần nó bơi qua bơi lại khúc sông này để kiếm ăn” – Giang nói và chỉ ra khúc sông nằm sát ngay chốt Tà Nót. Giải thích về việc có nhiều rắn trong vườn, ông Nguyễn Đình Xuân cho rằng bởi vườn nằm giáp ranh với đất bạn Campuchia. Trong khi rừng phía Campuchia đã bị phá nhiều, động chạm đến nơi sinh sống của các loài thú nên một trong những loài ấy là rắn hổ mang chúa mới tìm sang vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát đang được bảo vệ nghiêm ngặt để sinh sống.
Rắn nhiều nên các tay săn bắt rắn cũng thường xuyên nhòm ngó, canh chừng bảo vệ rừng vắng mặt là lẻn vào vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát để săn bắt. Đội đặc nhiệm bảo vệ rừng của vườn cùng các kiểm lâm vì thế luôn phải túc trực, canh gác nhằm ngăn chặn những thợ săn thâm nhập vào vườn. Thế nhưng vẫn có những kẻ hám lợi ranh mãnh thâm nhập vào vườn săn bắt rắn và đã phải đền mạng.
Hai thợ săn rắn Sơn Năm và Hải, là anh em, ngụ ấp Tân Thanh, xã Tân Bình, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, trong một lần thâm nhập vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát trái phép vào năm 2011 đã bắt được một con rắn chúa nặng hơn 5kg. Thế nhưng khi đem rắn đi bán, do bất cẩn lúc bắt rắn ra khỏi giỏ, Sơn Năm đã bị con rắn cắn phập vào cổ tay. Hải – người anh – sau khi nhận tiền bán rắn liền chở gấp em đi tìm thầy chữa trị nhưng Sơn Năm đã không qua khỏi. Sơn Năm đau quằn quại rồi tắt thở ngay trên đường đi. “Tôi cho anh em kiểm tra và nắm thông tin, cuối cùng được biết tiền bán rắn cũng chỉ đủ cho người anh lo tang ma, chôn cất cho em mình. Thật xót xa!” – ông Xuân kể.
Rắn “hai chim”
Rắn hổ mang chúa, hổ rừng được các nhà khoa học tôn là “chúa” của các loài rắn bởi nọc của nó cực độc và con trưởng thành có độ dài hơn 6m, cân nặng có khi lên đến 20kg. Lượng nọc độc của một con rắn hổ mang chúa trưởng thành khi cắn lên đến 400mg, có thể giết chết 20 người. Với con voi to, nếu bị hổ mang chúa đớp phải thì cũng chết. Nọc độc của rắn hổ mang chúa chủ yếu làm tê liệt hệ thần kinh trung ương, làm con vật bị cắn đau đớn và khoảng nửa tiếng sau là chết cứng. Không những cắn, hổ mang chúa còn có khả năng phun nọc độc phì phì làm tê liệt con mồi hoặc mù mắt ngay lập tức.
Rắn hổ mang chúa thường sống trong hang, các bọng cây hoặc đào hang trong các ụ mối ở những khu rừng rậm, vùng đồi núi. Thức ăn của chúng thường là các loài bò sát, côn trùng nhưng đặc biệt “món khoái khẩu” của hổ mang chúa lại là “chén” các loài rắn khác. Mùa xuân là mùa đi tìm bạn tình, mùa “cưới” của rắn hổ mang chúa. Cực kỳ đặc biệt, giống như một số loài rắn độc khác, theo tiến sĩ Hoàng Minh Đức – chuyên gia về nhóm bò sát (Viện Sinh thái học miền Nam), bộ phận sinh dục của rắn hổ mang chúa luôn có hai “chim”.
Khi giao phối, rắn chúa đực quấn xoáy quanh thân rắn cái rồi quặt đuôi lại với nhau. Lúc này cả hai “chim” đều hoạt động. Một “chim” để phòng ngừa nếu “chim” này không hoàn thành nhiệm vụ thì “chim” kia tiếp ứng ngay khi cần thiết. Thời gian giao phối của rắn chúa có khi kéo dài hàng tiếng đồng hồ.
TAMTHUC