Sáng 13/2 (tức mùng 4 tháng Giêng âm lịch), tại xã Tân Thành, huyện Phú Bình, Hội nhà báo tỉnh Thái Nguyên và UBND huyện Phú Bình đã khai mạc Hội báo xuân Quý Tỵ 2013 và Lễ hội đình – đền – chùa Cầu Muối. Đây là một trong những hoạt động chính mở màn cho các hoạt động chào xuân mới 2013 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Hội báo xuân Thái Nguyên 2013 năm nay quy tụ trên 1000 ấn phẩm xuân của các cơ quan thông tin đại chúng trong cả nước. Ngoài ra, tại Hội báo xuân cũng trình chiếu, giới thiệu các tác phẩm báo chí truyền hình, phát thanh của tỉnh Thái Nguyên đã được tuyển chọn, xếp loại tác phẩm báo chí chất lượng cao, nhất là các tác phẩm báo chí tuyên truyền về biển đảo và cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, triển khai Nghị quyết TW4. Cùng với khu vực đọc, thưởng thức các ấn phẩm xuân, trong hội báo xuân còn có điểm trình diễn thư pháp, giới thiệu báo điện tử, trang thông tin điện tử của các cơ quan thông tin, tuyên truyền trong tỉnh. Sau khi kết thúc Hội báo xuân, các ấn phẩm xuân được chuyển về nhà văn hóa các thôn xóm của huyện Phú Bình, phục vụ đông đảo độc giả địa phương.
Ngay sau nghi lễ cắt băng khai mạc Hội báo xuân 2013, Ban tổ chức đã đánh trống khai hội đình – đền – chùa Cầu Muối, một quần thể di tích tâm linh, tín ngưỡng đặc biệt tại huyện Phú Bình. Đình, đền, chùa Cầu Muối cách thủ đô Hà Nội chừng 80 km về phía Đông Bắc; cách trung tâm thành phố Thái nguyên chừng 40 km về phía Đông Nam.
Di tích đình – đền – chùa Cầu Muối nằm tại xóm Cầu Muối, xã Tân Thành, huyện Phú Bình gồm: 01 ngôi đình, 01 ngôi chùa, và 02 ngôi đền. Cụm di tích nằm thế tựa sơn, cảnh mây núi bao phủ, gió mát quanh năm. Cụm di tích được xây dựng từ năm 1719 vào thời hậu Lê, đời vua Lê Dụ Tông.
Sơ khai, các công trình được đắp đất, lợp lá. Sau này, thể theo nguyện vọng của đông đảo nhân dân và du khách thập phương, hệ thống được tu tạo nâng cấp và có hiện trạng như ngày nay.
Đình Cầu Muối thờ Thành hoàng làng Cao Sơn Quý Minh Đại Vương tức Dương Tự Minh. Ông là một danh tướng thời Lý có công cai quản, bảo vệ miền đất phía Bắc của quốc gia Đại Việt. Sau khi mất, Dương Tự Minh được nhiều triều đại phong kiến Việt Nam sắc phong là “Thượng đẳng thần”. Dọc theo dải sông Cầu từ Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang… Nhân dân lập đền, miếu, đình để thờ cúng và tôn ông là Thành hoàng làng. Trong lịch sử Việt Nam, duy nhất có Dương Tự Minh được hưởng ân sủng 2 lần làm phò mã, trở thành con rể của hai vua là Lý Nhân Tông và Lý Anh Tông.
Cách đình, chùa Cầu Muối 150m về phía Bắc là đền Công Đồng. Đền Công Đồng Cầu Muối là nơi thờ tự chính của Đạo tứ phủ, tương truyền rất linh thiêng; chính giữa trên hương án thờ Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thoải Cung, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thượng Thiên và Tam Phủ Công Đồng.
Cùng với Thần Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh Thánh Mẫu là một trong Tứ bất tử của thần linh Việt Nam. Bà là biểu tượng cho sức mạnh của phụ nữ luôn đề cao hạnh phúc, quyền tự do và độc lập tư tưởng.
Hàng năm dân làng Cầu Muối và khách thập phương xa gần nhớ ngày mùng 4 tháng Giêng âm lịch và lấy câu “Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ” làm ngày giỗ Mẫu ở Đền Công Đồng.
Cách Đền Công Đồng 300m về phía Tây Bắc là Đền Thượng – tọa lạc trên một quả đồi cao chừng trên 100m so với xung quanh, trông xa như hình một con voi phủ phục . Nơi đây thờ Mẫu Thượng Ngàn, vị thánh trong “Tứ bất tử” của đạo Tứ Phủ. Thờ Mẫu là 1 tín ngưỡng dân gian trong đời sống văn hóa của người Việt. Tín ngưỡng thờ Mẫu là sự tin tưởng, ngưỡng mộ, tôn vinh và thờ phụng những vị nữ thần gắn với các hiện tượng tự nhiên, vũ trụ được người đời cho rằng có chức năng sáng tạo, bảo trợ và che chở cho sự sống của con người.
Đình – đền – chùa Cầu Muối không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa của nhân dân, nơi đây còn ghi dấu nhiều sự kiện trong lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Phú Bình. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1950, Đại đoàn 308 đã chọn nơi đây làm nơi đóng quân. Hay như trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Sư đoàn 304 cũng chọn nơi đây làm công tác huấn luyện để phục vụ cho chiến trường miền Nam.
Tết Quý Tỵ, Lễ hội đình – đền – chùa Cầu Muối được tổ chức quy mô hơn các năm trước và quảng bá rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh. Sau nghi lễ rước kiệu, dâng hương, Lễ hội đình – đền – chùa Cầu Muối diễn ra vui tươi, sôi động với các màn hát múa mang đậm bản sắc văn hóa dân gian trong vùng, thi múa lân, kéo co… thu hút đông đảo du khách thập phương tham dự.
TAMTHUC