Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương
chuyen-huyen-bi-ve-dan-lon-vang-o-ha-nam Chuyện huyền bí về đàn lợn vàng ở Hà Nam
Saturday, 16/02/2013 09:00 am

Ma Phương :: Tinh Hoa Đông Phương

“Hầm thần của” ở xã Thanh Tâm (Thanh Liêm, Hà Nam) là một di tích cổ bí ẩn mà cho đến nay, nhiều nhà khoa học vẫn chưa thống nhất về nguồn gốc cũng như thời gian ra đời ở một vùng quê hẻo lánh. Tuy nhiên, dọc theo “hầm thần của” đầy bí ẩn, những câu chuyện vừa hư vừa thực từng một thời làm xáo động cả vùng quê chiêm trũng.
Từng có một giai thoại khi đàn cò vàng xuất hiện ở một ngôi chùa cổ  vùng Nam Định đã kéo theo biết bao tay săn đồ cổ đến “hỏi thăm”. Cách đó không xa, ở Hà Nam lại xuất hiện đàn lợn vàng trên vùng Trà Trâu Núi thuộc xã Thanh Tâm (Thanh Liêm, Hà Nam). Điều lạ lùng nhất là đàn lợn vàng có liên quan đến “hầm thần của” và câu chuyện “lộc trời”.

Lợn vàng trời cho
Cách trung tâm xã Thanh Tâm gần 2km về hướng Đông Bắc là dãy Trà Trâu Núi rộng lớn thuộc thôn Thong và thôn Chè núi. Đây là nơi xuất hiện di tích “hầm thần của” đầy bí ẩn mà dường như chưa ai giải mã được.

Khu đồi xuất hiện đàn lợn vàng

Người địa phương cho rằng, “hầm thần của” là nơi chôn giấu vàng và  kho báu của phú hào thời xưa, cũng có thể là nơi cất giấu vàng của người Trung Quốc thời cổ. Có điều, do “hầm thần của” được yểm bùa nên không ai có thể phát hiện và lấy đi kho báu đó.
Chính những bí ẩn chưa có  lời giải nên hàng loạt giai thoại vừa hư vừa thực cứ thế lan truyền ở xã Thanh Tâm. Như câu chuyện xuất hiện đàn lợn vàng cho đến nay vẫn như chuyện cổ tích có thật.

Cửa “hầm thần của”

Trước “hầm thần của” có một bụi tre um tùm gai góc mà chính các cao niên trong làng cũng không biết nó có từ bao giờ.  Đây là cổng cửa hầm dẫn sâu vào trong núi nên đàn lợn vàng cũng từ đó đi ra. Cụ Lê Đình Bảng cho hay: “Đó là một bụi tre thiêng, cứ đến giữa trưa là cuốn xuống, hễ ai bước qua là tự bật lên như để bảo vệ cho hầm mộ…”.
Vào mỗi đêm trăng sáng đứng bóng, một đàn lợn vàng khoảng hơn chục con nối đuôi nhau đùa giỡn trên Trà Trâu Núi. Trong số ấy, con cuối đàn bị què nên chậm chạp, lặng lẽ theo sau. Có người nhiều lần nhìn thấy liền đuổi theo để bắt nhưng đàn lợn đều chạy đến chân đồi rồi mất hút.
Một nhân chứng mà chúng tôi gặp để kiểm chứng chuyện này là ông Nguyễn Viết Cường. Ông Cường công nhận việc nhìn thấy và đuổi theo đàn lợn vàng. Ông cho biết thêm, lúc đầu định bắt con lợn què nhưng rồi lại thôi nên lộc trời không đến.
Cùng ý kiến với ông Cường là trưởng thôn Chè Núi – ông Bùi Ngọc Ký. Ông Ký cho hay, chuyện về đàn lợn vàng là có nhiều người nhìn thấy. Tuy nhiên, đó có phải là “lộc trời” hay không thì chúng tôi không chắc. Chỉ biết rằng, đàn lợn thường xuyên xuất hiện tại khu vực “hầm thần của”. Nhiều tay săn đồ cổ, có cả đội săn lùng kho báu ở xa đến hỏi thăm dùng bẫy bắt nhưng không thành.
Đến đôi rắn canh hầm mộ
Trưởng thôn Chè Núi, ông Bùi Ngọc Ký tâm sự, trước đây có hai cao niên là cụ Đỗ Văn Đặt (đã mất) và cụ Bùi Ngọc Sổ đi lên khu “hầm thần của” thì  bất ngờ gặp đôi rắn hổ mang to như thân cây, đầu có mào rất dữ tợn nằm vo tròn canh hai bên cổng hầm.

Cửa hầm được xây dựng vững chắc

Đôi rắn nhìn thấy người thì bành mang phì phì đe dọa. Quá sợ hãi, hai cụ chạy một mạch về nhà mà không dám kể lại cho ai biết. Mãi sau này, sợ con cháu gặp bất trắc khi lên “hầm thần của” nên hai cụ mới kể lại câu chuyện để cảnh báo. Không biết chuyện đôi rắn khổng lồ có thực hay không nhưng nó đã có tác dụng khi một số tay chuyên đi đào bới đồ cổ phải khiếp sợ khi đến cửa hầm.
Người trong thôn còn kể lại rằng, sau lưng nhà ông Lê Đình Bảng là miệng cửa hầm. Trước đây, lúc nào cũng thấy hàng trăm con cóc hình thù kỳ lạ đứng ngoài miệng hang. Thấy lạ, ông Bảng và con cháu mới bắt đổ ra chỗ khác nhưng vẫn không hết. Đàn cóc cứ bị đổ đi lại mò về càng lúc càng nhiều. Nhưng bỗng nhiên, những năm 2000 khi người dân đào bới, xâm phạm hầm thì đàn cóc không còn lấy một con. Ông Bảng suy đoán, có lẽ đàn cóc thấy động đã bỏ vào trong núi.

Điện Quan Sơn

Chưa hết, trước đây có  một người làng Chè Núi tên là Sảnh đem trâu lên cọc ở miệng hầm. Ngay lập tức, con trâu to khoẻ bỗng dưng lăn đùng ra chết như bị trúng độc của rắn. Ông Sảnh cho rằng, vì cọc trâu ở miệng hầm xâm phạm đến “thần của” nên đôi rắn đã lao ra cắn chết trâu.
Ông Ký cho biết, vào đêm giao thừa các năm, ông có nhiệm vụ giữ trật tự an ninh cho thôn. Khi đứng gần khu vực miếu thờ Điện Quan Sơn (nơi thờ “thần giữ của” – PV) đã bị rất nhiều đất đá không biết từ đâu ném vào người nhưng không bao giờ thấy đau. Ông Ký khẳng định, vùng Điện Quan Sơn rất hoang vu, đường lên dốc khúc khuỷu nên không có chuyện trẻ làng trêu đùa.
“Hầm “thần của” ở xã Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm, Hà Nam là ngôi mộ Hán cổ, xuất hiện từ khoảng thế kỷ thứ I – III (Công Nguyên), tức là giai đoạn 1.000 năm Bắc thuộc. Những ngôi mộ này thường thấy  ở các khu vực thuộc vùng văn hóa Đông Sơn. Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những ngôi mộ cổ tương tự tại các nước khác như Hàn Quốc, Trung Quốc. Riêng tại Việt Nam những ngôi mộ thế này xuất hiện nhiều, như Hà Nam, Hà Nội, Hưng Yên…”.
PGS.TS Lâm Mỹ Dung (Giám  đốc Bảo tàng Nhân học, Đại học KHXH&NV)
( Theo 24 h )

TAMTHUC