Những câu chuyện ly kỳ có thật xung quanh giếng chợ Bà Cô tưởng rằng theo thời gian sẽ bị lãng quên. Thế nhưng vài năm gần đây, tại xóm Chùa xã Vô Tranh, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang lại có nhiều sự kiện xảy ra liên quan đến cái “giếng thần” này.
Giếng chợ Bà Cô chỉ sâu hơn 1 mét, nước trong vắt như mắt mèo và không bao giờ cạn. Bên giếng có một ngôi đình và một con chó bằng đá, người ta bảo rằng con chó đá xuất hiện cùng khi có giếng nhưng không ai biết giếng được đào tự bao giờ. Con chó đá đặt bên cạnh giếng được cho là thần giữ của bởi theo đồn đại bên dưới giếng có vàng và rất nhiều của cải từ đời xưa để lại.
Sự tích “giếng chợ Bà Cô”
Từ thị trấn Đồi Ngô xuôi về xã Vô Tranh khoảng chừng 20 cây số. Con đường đất đỏ bụi mịt mù và đầy “đèo, dốc” lên xuống khiến chúng tôi phải mất ngót nghét hơn một giờ đồng hồ mới vượt qua được. Đặc sản nơi đây vẫn là vải nhưng vào độ mùa này chỉ có cây và lá. Đem câu chuyện về chiếc giếng chợ Bà Cô “thắc mắc” với cụ Bùi Thị Nhỡ tại thôn Tranh, chúng tôi như gặp được nhân chứng sống tại cái làng này, cụ Nhỡ đã từng chứng kiến bao biến đổi thăng trầm và trong đó có những câu chuyện ly kỳ xung quanh cái giếng.
Cụ Nhỡ năm nay ở cái tuổi 90 nhưng còn khỏe và minh mẫn lắm. Hỏi những chuyện từ thời cụ sinh ra đến nay cụ đều kể vanh vách. Cụ Nhỡ kể lại rằng, bố mẹ cụ và tổ tiên thân sinh cũng ở cái làng này cho đến ngay cả cụ bây giờ. Từ khi cụ Nhỡ sinh ra đã nghe bố mẹ và các bậc cao niên trong làng nhắc nhiều về giếng chợ Bà Cô. Cụ lớn lên đã thấy cái giếng này rồi, không biết nó có từ đời nào.
Giếng chợ Bà Cô trước đây còn có tên gọi khác là giếng đình, ngay bên giếng có một ngôi đình cổ nhỏ nằm tọa lạc soi bóng xuống đáy giếng. Ngay cạnh đó có một bãi đất trống rộng lớn và bằng phẳng được người dân sử dụng để làm nơi họp chợ. Chợ phiên chính là nơi thường xuyên dân làng tụ họp, diễn ra đúng ngày 15 hàng tháng, vào buổi đêm vì thời đó chưa có điện nên cha ông ta đã lợi dụng vào ánh sáng của trăng, chợ mua bán trao đổi chủ yếu bằng nông sản hàng hóa.
Theo lời cụ Nhỡ kể lại, lớn lên ở cái thời trẻ con còn để tóc ba chỏm đã được nghe những câu chuyện ly kỳ quanh cái giếng. Nhưng vì còn bé nên cụ Nhỡ chưa ý thức được và quan tâm đến những câu chuyện mà ngày đó được cho là tầm phào, hoang đường như ai đó nghĩ là chỉ kể cho vui miệng hay lấy câu chuyện lạ làm quà mỗi khi bạn bè lâu ngày tề tựu. Cụ Nhỡ còn nhớ như in, khi còn chăn trâu cắt cỏ đã được nghe đồn chuyện yểm long mạch hay bùa ngải gì đó tại giếng chợ Bà Cô mà khi lớn lên cụ mới hiểu và tin đó là chuyện có thật. Đồn rằng nơi đây, để yểm được bùa ngải, ma thuật thì ngày đó thầy phù thủy đã tìm chọn và bắt trong làng một cô gái có mái tóc dài, xinh đẹp nhất vùng và cô gái đó phải là người còn trong trắng trinh nguyên. Trước khi yểm bùa, phù thủy đã bắt cô gái đó ngậm một loại sâm củ khoảng chừng 3 tháng rồi sau đó mới nhấn chìm xuống giếng nước trong. Sau khi cô gái bị nhấn chìm xuống giếng nước thì chưa thể chết ngay mà còn sống được một thời gian bằng khoảng thời gian được ngậm sâm. Tên gọi giếng đình đổi thành giếng chợ Bà Cô cũng không phải bỗng dưng mà có. Nó xuất phát từ việc yểm bùa này.
Chuyện ly kỳ quanh cái giếng
Giếng chợ Bà Cô nằm bên cạnh một cánh đồng lúa chiêm trũng quanh năm màu mỡ phì nhiêu. Cụ Nhỡ khẳng định với chúng tôi là chưa bao giờ nước trong giếng bị cạn. Nước giếng trong và mát lắm, máy bơm nước công suốt lớn bơm cả ngày cũng không cạn được. Cả làng tôi từ bao đời đến mùa hạn hán lại thi nhau ra đó gánh nước về ăn uống và sinh hoạt.
Vì giếng nước rất trong và mát ngọt nên những khi khát nước dân làng đi ngang thường hay ghé vào giếng để uống nước. Những lời đồn thổi về cái “giếng thần” này cứ thế loan rộng ra. Nào là khi khát nước thì đến bên giếng mà xin rồi lẳng lặng mà uống chứ đừng nói thêm lời nào. Giếng chỉ được uống nước, không được rửa mặt hay tay chân. Khi uống nước thì chỉ biết uống rồi đi chứ đừng khen ngon hay chê bất cứ một lời nào.
Theo lời cụ Nhỡ thì giếng thiêng lắm, nếu ai vô tình hay cố ý vi phạm một trong những điều nói trên thì đều bị đau bụng quằn quại đến 3 ngày mới khỏi, uống thuốc gì cũng không lành được. Nặng hơn nữa là nhiều người ở các làng khác không biết đến những “lời nguyền” đó nên sau khi uống nước giếng chợ Bà Cô về nhà bị ốm liệt giường nằm đến đúng 3 tháng sau mới khỏi, đi bệnh viện cũng không phát hiện ra được căn bệnh gì.
Qua câu chuyện với ông Hoàng Văn Triệu nguyên là Chủ tịch Hội nông dân của xã Vô Tranh và là chủ nhân có ngôi nhà cách giếng chợ Bà Cô độ chừng 100m. Ông Triệu cho biết, khi về đây đã thấy cái giếng, bên giếng có một con chó đá ngồi với tư thế như để “canh” giữ giếng vậy.
Chó đá có chiều cao khoảng hơn 60cm, chiều dài khoảng 80cm và có trọng lượng độ ngót 3 tạ. Chó đá được tạc trong tư thế có 2 cái tai chóc ngược vểnh về phía trước, lưỡi thè ra như đang chăm chú theo dõi, phòng vệ hay sẵn sàng tấn công bất cứ lúc nào khi đã xác định người lạ. Hai chân trước con chó đá quỳ xuống như để lấy đà trước khi chạy xồm lên, dưới bụng nó có một cái bát hương cũng được đúc liền khối từ tảng đá xanh ấy. Dưới cổ chó đá được đeo một tràng hạt cườm hình tròn bằng đá xanh ngắt và óng ánh trông rất đẹp mắt.
Năm 1972, dân làng nơi đây bàn nhau “khai quật”, dọn vệ sinh cho giếng chợ Bà Cô để nước giếng được trong và sạch hơn nhằm phục vụ cho sinh hoạt cho người dân trong thôn. Trước khi dọn giếng, các bậc cao niên, các thầy địa lí trong làng đều chuẩn bị một số lễ vật như mâm xôi con gà để cúng bái rồi mới tiến hành.
Anh Triệu là một trong những người tham gia tu bổ, sửa sang giếng cho biết, trước khi khai quật thì trên miệng giếng chợ Bà Cô có một tảng đá bằng phẳng, xanh bóng và to bằng chiếc chiếu một dùng để đậy kín miệng giếng lại. Dưới tảng đá xanh ấy là 4 thanh gỗ vuông vức được xếp theo hình vuông để làm giá đỡ cho tảng đá ấy. Những ai có mặt tại hôm đó đều không khỏi bất ngờ, khi tảng đá được nhấc ra khỏi miệng giếng thì xuất hiện một luồng khí lạ dễ chịu bốc lên từ miệng giếng có mùi thơm rất đặc biệt giống như mùi sâm lẫn với mùi thảo dược đun lên dùng để xông, tắm. 4 thanh gỗ có màu đỏ sẫm cũng có mùi thơm tương tự, không biết trải qua bao nhiêu thời gian nhưng những thanh gỗ ấy vẫn còn nguyên vẹn và không hề bị mối mục. Nhiều người cho rằng đó là gỗ sưa đỏ mà người xưa vẫn thường hay dùng để đóng quan tài và ướp xác người chết.
Dân làng tiến hành vệ sinh giếng, người múc nước, người vét bùn. Giếng chợ Bà Cô chỉ sâu hơn 1m, người dân thay phiên nhau múc nước nhưng phải đến quá một buổi nước trong giếng mới ngót được một nửa bởi nguồn nước mạch chảy ra từ đáy giếng rất mạnh không thể múc cạn. Dưới giếng có một tảng đá hình chữ nhật, tảng đá có chiều dài hơn 80cm, chiều rộng khoảng 60cm nhưng khi đó phải huy động 7 thanh niên lực lưỡng trong làng khiêng mới nhấc được ra khỏi giếng. Khi tảng đá được khiêng lên thì đột nhiên một cột nước trong miệng giếng phun lên trời với chiều cao tầm 7 – 8m khiến ai nấy cũng bất thần hốt hoảng.
Giếng chợ Bà Cô.
Nhắc chuyện con chó đá, ông Hoàng Văn Triệu kể lại, khi dọn giếng có rất nhiều người. Thấy con chó đá đẹp quá ai cũng muốn xin về đặt làm cảnh, xin không được có người muốn mua nhưng những người chủ trì hôm đó đều thống nhất không cho mà cũng không bán cho bất cứ ai bởi họ cứ nghĩ đó là “báu vật” của làng, hơn nữa trước đó đã có rất nhiều câu chuyện xảy ra khiến ai cũng phải sợ. Hôm đó có ông Bình, ông Thứ, ông Ngoạn… người trong làng đều có ý muốn sở hữu con chó đá. Bẵng đi thời gian, từ đó đến nay gần 40 năm, con chó đá nơi giếng chợ Bà Cô vẫn nằm nhất cử nhất động nguyên hình như từ khi nào vậy. Khoảng cuối tháng 12/2008 (âm lịch), con chó đá hằng ngày vẫn ngồi cạnh bên giếng bị người lạ đánh cắp. Rồi bất ngờ hơn, sau đúng một năm kể từ ngày chó đá bị mất thì chủ nhân trộm cắp đã phải trả lại con chó đá về đúng về vị trí cũ. Ông Triệu kể lại rành mạch chuyện có sự trùng lặp đến từng chi tiết: “Tôi nhớ chính xác hôm đó cũng đúng vào ngày 27/12/2009, tỉnh dậy đứng trên sân nhà nhìn xuống giếng lại thấy con chó đá ngồi ở chỗ cũ. Chạy xuống gần xem thì thấy xung quanh giếng có một bát hương đang cháy dở và có rất nhiều hoa quả, tiền, vàng mã đốt quanh giếng”.
Lấy làm lạ, đang khi có nhiều tin đồn thì sau đó vài hôm lại hay tin ông Nhi Hải ở xóm Trại Găng gần đó bị chết không rõ lí do. Xác định thông tin, người dân mới biết chính ông Nhi Hải là người đánh cắp con chó đá mang về nhà mình để cách đây đúng một năm. Ông Nhi Hải bị chết, ít ngày kế cận sau đó thì con trai của ông lại bị tai nạn giao thông rất may là qua cơn nguy kịch.
Chưa ai hiểu đâu là nguyên nhân và thực hư mọi việc, nhưng lời đồn thổi về giếng “thần”, chuyện yểm bùa, yểm long mạch hay thứ ma thuật gì gì đó từ trước đến giờ thì đã có. Những câu chuyện quanh giếng chợ Bà Cô thêm một lần nữa được thêu dệt, thêm bớt và không ngớt lời truyền miệng. Nhiều người đặt câu hỏi có hay không những lời nguyền truyền kiếp từ cái giếng thiêng ấy.
Nhiều thầy địa lí, thầy cúng trong vùng cho rằng sự xuất hiện con chó đá bên giếng là để canh giữ của cải. Họ đồn rằng sau khi bọn giặc Tàu thua trận và bỏ về nước, chúng có rất nhiều của cải nhưng không mang đi hết được. Vì thế chúng chôn tất cả những thứ của cải vàng bạc châu báu ấy dưới lòng giếng và yểm phép thuật để hòng không một ai có thể chiếm đoạt được. Tin đồn dưới lòng đất sâu nơi giếng chợ Bà Cô có rất nhiều vàng, vì vậy vào năm 2006, nơi đây đã xuất hiện một nhóm người đến đây thăm dò vàng.
Qua bao đời, thực hư những câu chuyện quanh giếng chợ Bà Cô chưa có ai kiểm chứng. Nhưng góp nhặt những câu chuyện xung quanh cái giếng ẩn chứa, hiện hữu thần linh càng làm cho nét văn hóa tâm linh bản địa nơi đây thêm phần phong phú