Người Yanomami tin rằng, khi ăn tro cốt người chết, linh hồn người đã khuất sẽ luôn ở bên.
Trên thế giới vẫn có tồn tại rất nhiều tập tục cổ hủ, lạc hậu và… khó hiểu. Có những bộ tộc sống trên cây, ăn thịt người hay tục treo quan tài trên vách núi… nhưng chắc hẳn ít ai biết đến bộ tộc có phong tục đốt người chết thành tro rồi ăn.
Yanomami là một trong những bộ tộc sống cô lập ở Nam Mỹ. Họ sống trong các rừng nhiệt đới ở vùng núi phía Bắc Brazil và miền Nam Venezuela. Được phát hiện vào năm 1929, bộ tộc Yanomami không có bất cứ liên lạc gì với thế giới bên ngoài. Dường như cho đến nay, bộ tộc Yanomani vẫn sống hoang dã như hàng nghìn năm trước.
Cuộc sống phụ thuộc vào thiên nhiên khiến dân số bộ tộc này ngày một ít đi do môi trường sống của họ bị thu hẹp. Theo báo cáo mới nhất thì bộ lạc này chỉ còn khoảng 20.000 người, sống rải rác trong 200 – 250 ngôi làng ở Brazil và Venezuela.
Họ sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau tùy từng huyết thống gia đình, như ngôn ngữ Yanoma, Sanuma, Ninam và Yanam.
Cuộc sống của người Yanomami diễn ra như trong một bộ tộc thời kỳ Đồ đá: đàn ông săn bắt, đàn bà hái lượm để kiếm sống. Những cư dân nơi đây không biết chăn nuôi, họ chỉ trồng chuối, cây thuốc lá và một số loại cây lấy củ khác để dùng.
Họ sống trong những túp lều lợp lá, dựng theo hình tròn và nằm sâu trong rừng. Theo truyền thống, cả đàn ông và phụ nữ ở Yanomami thường ở trần, chỉ che bộ phận sinh dục bằng một cái đai nhỏ bằng vải nhuộm đỏ.
Họ thường trang trí cơ thể bằng các hình vẽ và cài thêm lông trên đầu. Trong vài dịp lễ quan trọng, cư dân Yanomami xiên những chiếc que tre qua mũi hay miệng để tăng phần thu hút.
Một trong những hủ tục của người Yanomami là tục ăn, uống tro cốt của người chết. Tất cả người dân Yanomami đều tin tưởng vào sự tồn tại thế giới bên kia. Theo họ, đó là nơi linh hồn của con người sẽ tới sau khi qua đời. Vì thế, họ có đủ động lực để uống tro hỏa táng mà không một chút mảy may lo sợ. Nếu như thân xác người chết hòa với thân xác người sống, linh hồn của người khuất sẽ như được tiếp thêm sức mạnh, không thấy mệt mỏi khi trải qua kiếp nạn trên đường tới thế giới bên kia. Và hơn hết, người sống có thể giữ người họ yêu quý mãi mãi ở lại.
Khi một ai đó qua đời, cả làng sẽ tiến hành nghi thức hỏa táng. Chỉ những người uy tín trong bộ tộc và đàn ông mới được phép tham dự nghi thức này, thời gian diễn ra thường là khi kết thúc mọi công việc trong ngày. Những người đàn ông có mặt trong buổi hỏa táng phải tắm sạch sẽ, lau sạch mọi vật dụng, kể cả con dao và cung tên đeo bên hông cũng được mài rửa sạch. Xác chết được đặt lên một giàn củi. Người có uy tín trong bộ lạc sẽ châm lửa. Trong thời gian đốt xác, những người đàn ông sẽ ở bên đống lửa trông coi suốt ngày đêm. Họ liên tục mồi thêm củi khô để xác chết được tan rã nhanh chóng.
Sau khi hoàn tất việc hỏa táng, những bộ phận cơ thể sẽ được phân chia và giã nát bằng 1 chiếc chày và cối. Sẽ có 2 loại cối được trang trí theo kiểu khác nhau để phục vụ cho đám tang của nam giới và nữ giới. Sau nghi thức hỏa táng, chiếc chày và cối cũng được đốt bỏ. Thứ bột của xác chết này được đựng trong những quả bầu khô và được cất giữ ở một nơi trang trọng trong nhà. Chừng 1 năm sau, người Yanomami sẽ đem tro cốt người chết ra chế biến thành thức ăn. Tro cốt được chế biến hoặc làm gia vị cho nhiều món, trong đó có món chính là súp chuối. Đây là món ăn chính trong buổi lễ tưởng nhớ người đã qua đời.
Ngoài ra, những người đàn ông cũng nhét tro cốt vào ống nứa, rồi một người thổi, một người hít thật sâu vào trong mũi.
Trong ngày lễ tưởng nhớ này, cả bộ lạc cùng nhau thưởng thức các món ăn từ xương cốt người chết. Từ trẻ đến già, từ đàn ông đến đàn bà đều ăn nhiệt tình, ăn đến hết sạch mới thôi. Khi ăn những món này, họ tin rằng, linh hồn người chết sẽ luôn ở bên.
Mặc dù, cuộc sống hiện tại của tộc người Yanomami một phần nhỏ bị tác động bởi thế giới hiện đại bên ngoài, nhưng người trong bộ tộc vẫn luôn duy trì nghi thức được cho là thiêng liêng này.
Theo datviet
TAMTHUC